AI hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống

Trong năm qua, nhiều mô hình AI tương tự ChatGPT đã ra đời với sự tham gia của các ông lớn công nghệ như Google, Microsoft, Alibaba. Sang năm 2024, các ứng dụng của chúng sẽ tràn ngập, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận.

“AI tạo sinh đã khơi dậy những ý tưởng sáng tạo về cách nó hoạt động và biến đổi thế giới trong 2023”, John Roese , Giám đốc công nghệ toàn cầu của Dell Technologies, nói trong một sự kiện tháng 11. “Bước sang 2024, chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng các dự án AI tạo sinh đạt đến mức độ trưởng thành, bộc lộ những khía cạnh quan trọng và hữu ích vốn chưa được hiểu rõ trong giai đoạn đầu”. Từ đó, AI sẽ được ứng dụng hiệu quả trong mọi lĩnh vực, thay vì chỉ mang tính thăm dò và thử nghiệm như trước.

Còn theo công ty tư vấn toàn cầu Capgemini (Pháp), AI tạo sinh sẽ có các mô hình cỡ nhỏ, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân. Những mô hình này không cần quá nhiều cỗ máy xử lý lớn nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.

Minh họa về trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Reuters

Minh họa về trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, năm qua, giới chuyên gia liên tục cảnh báo các công cụ AI tạo ảnh như Dall-E hay Midjourney có nguy cơ lan truyền ảnh, video giả mạo thông qua những câu lệnh ngắn bằng văn bản. Sang năm mới, điều này sẽ không chỉ dừng ở “nguy cơ” khi một số điểm yếu của AI sẽ được khắc phục. Theo XB Software, 2024 sẽ là năm các công cụ trở nên hoàn thiện, từ đó tạo ra hàng nghìn nội dung như thật, khiến người dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm AI, trừ khi có ghi chú về nguồn gốc của ảnh, video.

Sự tiến bộ của công nghệ lượng tử

Một chuyên gia lượng tử của IBM trong phòng thí nghiệm Lượng tử của công ty ở New York. Ảnh: IBM

Một chuyên gia lượng tử của IBM trong phòng thí nghiệm của công ty ở New York. Ảnh: IBM

Công nghệ lượng tử đã có bước tiến mới vào năm ngoái, như Intel chế tạo thành công bộ xử lý lượng tử Tunnel Falls, hay Microsoft thông báo trong quá trình xây dựng siêu máy tính lượng tử đầu tiên. IBM, Google và một số công ty công nghệ Trung Quốc cũng đã tham gia lĩnh vực này từ nhiều năm trước.

Một trong những ứng dụng của điện toán lượng tử là khiến những tiêu chuẩn mã hóa hiện tại như RSA và ECC trở nên lỗi thời. Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho tiêu chuẩn “mật mã hậu lượng tử” (PQC), tức thuật toán mã hóa có khả năng chống lại cuộc tấn công lượng tử, và dự kiến được Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ ban hành năm 2024. Theo Liz Centoni, Phó chủ tịch Cisco, việc áp dụng PQC thậm chí sẽ được thực hiện trước khi nó được chuẩn hóa, trong đó sẽ áp dụng cho hệ điều hành, trình duyệt và nền tảng công nghệ.

Robot hình người xuất hiện ngày càng nhiều

Robot Optimus của Tesla. Ảnh: Tesla

Robot Optimus của Tesla. Ảnh: Tesla

Năm 2023 đã xuất hiện một số mẫu robot hình người từ Tesla, Xiaomi và một số công ty khác. Đa phần chúng mới ở dạng nguyên mẫu, chưa được thương mại hóa, trừ Amazon đã đưa vào vận hành robot hình người Sequoia tại các nhà kho.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, robot hình người sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2024. Một số công ty đã lên kế hoạch sản xuất hàng loạt robot hình người, như Agility Robotics của Mỹ đã xây dựng nhà máy RoboFab rộng 70.000 m2 ở Salem, bang Oregon, dự kiến giao sản phẩm cho khách hàng vào năm 2024.

An ninh mạng – từ ưu tiên sang tuyệt đối cần thiết

Kris Lovejoy, kỹ sư trưởng của Security & Resiliency (Mỹ), dự đoán trong năm 2024, các cuộc tấn công mạng sẽ gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi. Do đó, các doanh nghiệp lẫn người dùng cuối sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho hệ thống và thiết bị của mình nhằm ngăn chặn hacker. Lúc này, các giải pháp bảo mật không chỉ là sự ưu tiên, mà là điều cần phải có để bảo vệ tài sản và hệ thống.

Theo Cybersecurity Ventures, tổn thất do tội phạm mạng gây ra ước tính lên đến 10,5 nghìn tỷ USD năm 2025, tăng từ mức 3 nghìn tỷ USD năm 2015. Còn theo báo cáo của Accenture, chi phí để khắc phục một sự cố do tội phạm mạng gây ra trung bình là 13 triệu USD năm 2021 và sẽ tăng thêm 15% vào năm 2024.

Mạng 5G phủ sóng đại trà

Công nghệ 5G bắt đầu được triển khai thương mại cách đây bốn năm, nhưng ở nhiều quốc gia, 5G vẫn chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Theo giới chuyên gia, phải tới 2024, 5G mới được triển khai rộng hơn, trở thành chuẩn kết nối chính cho người dùng. Điều này mở ra cánh cửa rộng lớn cho các ứng dụng Internet of Things, nơi hàng tỷ thiết bị sẽ giao tiếp với nhau tốc độ cao, thúc đẩy sự phát triển nở rộ của nhà thông minh, xe tự lái.

Bảo Lâm