Xiaomi mô tả HyperOS, được công bố cuối tuần qua, là sự kết hợp giữa “hệ thống Android tùy biến ở mức cao” kết hợp nền tảng IoT Vela độc quyền được giới thiệu cách đây ba năm. Mục tiêu của nền tảng mới là hỗ trợ một loạt thiết bị thông minh từ smartphone, máy tính bảng, smartband, smartwatch cho đến loa, thiết bị gia dụng cũng như các sản phẩm có gắn cảm biến và kết nối Internet khác.


Một chiếc smartphone Xiami hiển thị nền tảng HyperOS mới. Ảnh: Xiaomi

Một smartphone Xiami hiển thị logo HyperOS. Ảnh: Xiaomi

Cũng theo Xiaomi, HyperOS là hệ điều hành “lấy con người làm trung tâm” với nỗ lực “đưa danh mục sản phẩm rộng lớn và đang mở rộng về dưới mái nhà chung là một hệ điều hành duy nhất, giúp quản lý tập trung và dễ dàng hơn”. Công ty cho biết HyperOS sẽ được cài đặt đầu tiên trên dòng điện thoại Xiaomi 14 mới ra mắt tại Trung Quốc, cũng như smartwatch và TV.

Trước Xiaomi, Huawei đã phát triển hệ điều hành nội địa để tránh phụ thuộc vào Android của Google. Công ty giới thiệu HarmonyOS vào tháng 8/2019, ba tháng sau khi bị Mỹ đưa vào Danh sách thực thể. Nền tảng được phát triển dựa trên mã nguồn mở, không tích hợp các dịch vụ của Google.

Huawei đang chuẩn bị cho một nước đi táo bạo hơn với HarmonyOS Next, dự kiến ra mắt năm tới. Đây được đánh giá là nỗ lực lớn nhất của hãng trong việc cắt đứt hoàn toàn với hệ sinh thái của Google bằng cách loại bỏ hỗ trợ các ứng dụng Android.

Hiện Huawei vẫn cho phép ứng dụng Android chạy trên thiết bị HarmonyOS – cách để “xoa dịu cú sốc” và níu chân người dùng sau khi bị Mỹ cấm vận. Trong lúc đó, hãng âm thầm chuẩn bị cho chặng đường mới.

“HarmonyOS trải qua bốn năm khó khăn. Nhìn lại, quả thực là thuyền nhẹ vượt qua muôn trùng núi non”, Richard Yu Chengdong, đứng đầu mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, dẫn một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Lý Bạch trong sự kiện hồi tháng 9.

Theo công bố của Huawei, hiện có 700 triệu thiết bị chạy HarmonyOS với hơn 2,2 triệu nhà phát triển tạo ứng dụng cho nền tảng. Trong khi đó, theo dữ liệu từ StatCounter, Android chiếm 70% thị phần hệ điều hành di động toàn cầu tháng 9, còn HarmonyOS có thị phần không đáng kể.

Ngoài Huawei và Xiaomi, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng nền tảng tùy chỉnh dựa trên Android. Chẳng hạn, Oppo có ColorOS, Vivo có OriginOS. Smartphone Xiaomi hiện cũng chạy MIUI dựa trên Android nguồn mở.

Bảo Lâm (theo SCMP)