Tại sự kiện Vietnam – Asia Smart City Summit 2023 do Thành phố Hà Nội và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức ngày 29/11, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng sáng lập hiệp hội, cho biết nhiều doanh nghiệp đang cùng các địa phương định hướng và xây dựng đô thị thông minh. Ví dụ, Viettel, VNPT đã hợp tác với 45 tỉnh, xây dựng thành công 36 trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và 45 IOC cấp huyện. FPT cũng tham gia tư vấn để đưa AI vào quá trình quy hoạch, phát triển đô thị.
Tuy nhiên, ông Bình đánh giá việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, chưa thuận lợi cho hợp tác công tư, đặc biệt ở thủ tục liên quan đến đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thứ hai, các đô thị cũng chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa hạ tầng thiết yếu.
Hà Nội là một trong các địa phương đi đầu về phát triển thành phố thông minh, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn, có thể kể đến là dân số đông, hạ tầng giao thông không đuổi kịp tốc độ đô thị hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý ngập nước.
“Hà Nội có nhiều lợi thế quan trọng, nhưng đang phải giải quyết nhiều bài toán như đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch thành phố Hà Nội, nói tại sự kiện.
Còn theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, quá trình triển khai đô thị thông minh đang gặp thách thức với vấn đề dữ liệu số. Hiện việc xử lý dữ liệu còn khó khăn do chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao. Dữ liệu nằm trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, đòi hỏi phải có quy trình đầu tư, khai thác bài bản nhằm mang lại giá trị kinh tế mới.
Trước những thách thức đó, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng quá trình triển khai đô thị thông minh nên tập trung theo hướng “liên tục, dài hạn, tiếp cận tổng thể và không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ”. Tương tự chuyển đổi số, smart city cần được xây dựng trên sự thay đổi về tư duy, nhận thức của mọi người.
“Phát triển đô thị thông minh là thực hiện chuyển đổi số trên quy mô lớn, nhưng chú trọng giải quyết các vấn đề cụ thể như hạ tầng giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, đảm bảo an ninh, trật tự đô thị. Do đó, các yếu tố thông minh phải được xác định và đưa vào ngay từ khi quy hoạch”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông đánh giá các vấn đề thường liên quan chặt chẽ với nhau, nên thành công của đô thị thông minh phụ thuộc vào loạt ứng dụng công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, chứ không phải một tập hợp rời rạc ứng dụng của từng cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, hoàn thiện hạ tầng dữ liệu số là vấn đề thiết yếu, giúp thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật, kinh tế – xã hội khác.
Còn theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội chọn phương án xây dựng thành phố thông minh bền vững, hướng đến lợi ích chung. Tính bền vững được thể hiện qua lựa chọn thông minh, giải pháp thông minh và công nghệ thông minh.
Hoàng Giang