Tọa lạc trên khu đất có diện tích bằng 640 sân bóng đá ở ngoại ô bắc Phoenix, nhà máy TSMC đang được xây dựng gồm cụm các tòa nhà và cần cẩu khổng lồ, có thể nhìn thấy từ cách đó 30 km. Công ty cũng lên kế hoạch cho khu phức hợp thứ hai trị giá 40 tỷ USD.

Với hàng chục tỷ USD đổ vào Mỹ, TSMC đặt tham vọng nơi đây là bàn đạp để trở thành tập đoàn sản xuất mang tầm vóc toàn cầu. Nhưng hai năm đầu diễn ra khó khăn, đe dọa tiến độ dự án và tham vọng của công ty. “TSMC phải vật lộn trong việc xây dựng và vấn đề lao động ở Mỹ. Họ đang loay hoay”, Dylan Patel, nhà phân tích của hãng nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis, nhận định.


Công trường nhà máy TSMC ở Phoenix, Arizona đầu năm nay. Ảnh: AZ Central

Công trường nhà máy TSMC ở Phoenix, Arizona đầu năm nay. Ảnh: AZ Central

Khi bắt đầu, TSMC dự định sản xuất mẫu chip đầu tiên tại nhà máy ở Arizona trong nửa đầu 2024. Vào tháng 7, Mark Liu, Chủ tịch của TSMC, nói với các nhà đầu tư rằng kế hoạch bị lùi sang năm 2025.

“Có nhiều điều không chắc chắn và căng thẳng đang diễn ra. Đây là lãnh thổ chưa được khám phá của TSMC, vì vậy có thể hiểu được tại sao họ lại tiến hành chậm như vậy”, Caitlin Legacki, cựu cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, nói.

Thách thức xây dựng

Theo dự kiến, hai tổ hợp TSMC đang xây ước đạt công suất hàng tháng 60.000 tấm bán dẫn dùng để in mạch và cắt vi mạch. Nếu thông số này chính xác, nhà máy ở Arizona chỉ đạt cỡ trung bình, nhỏ hơn các “gigafab” với 100.000 tấm bán dẫn mỗi tháng của công ty đang vận hành ở Đài Loan.

TSMC đã mua đủ đất cho bốn giai đoạn mở rộng có thể đưa Arizona đạt quy mô như ở Đài Loan, nhưng hiện chưa cam kết kế hoạch đó. Việc mở rộng có 6 giai đoạn, nhưng một CEO công ty cung ứng cho TSMC nói ông không tin đối tác sẽ hoàn thành hết các giai đoạn này.

Tại Mỹ, các nhà sản xuất chip có xu hướng chọn ba gói thầu riêng biệt, gồm cho tòa nhà văn phòng, tòa nhà tiện ích và trung tâm chứa tất cả cơ sở hạ tầng điện, nước cũng như phòng sạch để sản xuất chip. Nhưng TSMC thường chia thành 20 gói trở lên. Cách thức này gây ra nhiều vấn đề, khiến thời gian bị kéo dài, dẫn đến chậm trễ.

“Họ chia nhỏ hợp đồng để tiết kiệm chi phí và xử lý mọi việc theo cách từ trên xuống. Ở Đài Loan, nhà thầu đã quen với việc đó cũng như thích ứng với những hướng dẫn có thể thay đổi. Nhưng ở Mỹ, mọi thứ rất khác”, Charles Lee, CEO Topco – công ty chuyên đảm nhận cung cấp hóa chất và một số linh kiện cho TSMC, nói.

Giữa năm nay, TSMC phải vật lộn để tìm đủ công nhân lành nghề nhằm lắp đặt máy móc tiên tiến tại Arizona. Vào tháng 6, công ty cử thêm 500 chuyên gia từ Đài Loan đến hỗ trợ, chẳng hạn lắp các cỗ máy quang khắc EUV của ASML vì ở Mỹ có ít nhân sự đủ chuyên môn lắp chúng.

“TSMC có một hệ sinh thái rất mạnh ở Đài Loan và phụ thuộc nhiều vào nó, từ cửa hàng nhỏ đến doanh nghiệp lớn. Ở Mỹ, họ không có những thứ như vậy. Kể cả khi chuyển từ Đài Loan sang, tôi tự hỏi có bao nhiêu công ty chấp nhận đi theo cùng”, Peter Hanbury, chuyên gia bán dẫn tại công ty tư vấn Bain, đánh giá.

Thực tế, một số công ty cung ứng cho TSMC đã theo chân đối tác sang mở nhà máy ở Mỹ, như Chang Chun Petrochemical, Kanto PPC hay Topco bắt đầu mua đất. Dù vậy, chi phí xây dựng cao là rào cản khiến những đơn vị nhỏ hơn chùn chân. “Chúng tôi cần tính toán chi li hơn, gấp 5 lần thông thường”, Vincent Liu, Chủ tịch LCY – công ty sản xuất hóa chất tẩy rửa được sử dụng trong sản xuất chip của TSMC, cho biết.

Nhân sự và thách thức vận hành

Một thách thức khác đối với TSMC là phải vận hành nhà máy mới hiệu quả như các nhà máy tại Đài Loan. “Chúng tôi tin nhà máy ở Arizona có thể mang lại lợi nhuận, dù thấp hơn ở Đài Loan”, một giám đốc TSMC tiết lộ. “Công ty cũng có thể nhân rộng hoạt động sản xuất, nhưng chỉ ở mức độ nhất định”.

Một đặc điểm của TSMC là phụ thuộc vào R&D, nhóm phát triển công nghệ xử lý mới. Ở Đài Loan, mọi thứ chỉ tốn một tiếng đi tàu cao tốc. Còn ở Mỹ, họ mất 20 tiếng di chuyển, chưa kể các thủ tục phát sinh.

Dù vậy, bài toán lớn nhất đối với TSMC là nhân sự và văn hóa. “Bạn có thể trao quyền nhiều hơn cho công nhân nhà máy, miễn là họ có tay nghề cao. Nhưng thực tế, bạn không có được điều đó ở Mỹ”, Patel của SemiAnalysis nói.

Patel cho rằng kỹ sư Đài Loan có xu hướng tập trung vào các trường kỹ thuật để làm việc cho những tập đoàn như TSMC sau bốn năm ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật ở Mỹ lại khác, họ muốn làm ở Meta hay Apple với chế độ đãi ngộ cao cùng môi trường tốt, thay vì vào nhà máy.

Ở Phoenix, nơi đặt nhà máy đầu tiên của TSMC tại Mỹ, vấn đề đó được thể hiện rõ ràng. TSMC đã thuê hơn 2.200 trong số 4.500 nhân viên dự định tuyển dụng. Dù vậy, gần một nửa số được thuê cho đến nay là những người được cử đến từ Đài Loan. Công ty đang tìm thêm nhân sự ở các trường, như Đại học Arizona (ASU). Một số sinh viên ở đây nói TSMC “thú vị nhưng khó đổi mới công việc trong tương lai”.

“Tôi sẽ cân nhắc TSMC sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ vào năm tới vì lương ở đây cao và công nghệ hàng đầu. Nhưng tôi cũng phân vân vì ở đó thời gian làm việc quá dài và rất khó nghỉ phép. Tôi không muốn thành robot ngoan ngoãn”, Garima, một sinh viên vừa tốt nghiệp ASU, nói.

Nhiều kỹ sư trẻ coi TSMC là khởi đầu tốt trong sự nghiệp nhưng không muốn gắn bó lâu dài. “Nếu làm tại TSMC trong vài năm đầu và có thể chịu đựng văn hóa của họ, bạn có thể gia nhập hầu hết công ty bán dẫn khác sau này”, Smitha Swain, đang học tiến sĩ và có bạn bè từng làm tại TSMC, cho biết.

Michael Kozicki, giáo sư tại Trường kỹ thuật điện, máy tính và năng lượng của ASU, đánh giá ở Arizona, TSMC phải đối mặt với môi trường rất khác. Ông cho rằng ở Đài Loan, TSMC dễ tuyển người do được yêu mến, còn ở Mỹ, sinh viên có nhiều lựa chọn khác.

TSMC hiện cũng xây nhà máy ở Nhật Bản và Đức. “Việc xây dựng và sản xuất ở hai địa điểm này sẽ đặt ra ít thách thức hơn. Nhưng tôi nghĩ TSMC sẽ vẫn gặp khó tại Đức về vấn đề lao động nếu chiếu theo những gì diễn ra ở Arizona”, Hanbury của Bain nhận xét.

Theo một số nguồn nội bộ, trong 12 tháng qua, khoảng 6.000 nhân viên TSMC đã trải qua khóa đào tạo đa văn hóa thông qua TLI, một công ty tư vấn của Đài Loan. Giáo án bao gồm quá trình giúp nhân viên TSMC làm việc hiệu quả hơn ở nước ngoài.

Một số nhà phân tích đánh giá ngay cả khi việc vận hành thành công nhà máy ở Arizona, tham vọng đa dạng hóa sản xuất chip toàn cầu của TSMC vẫn gặp rào cản do quy mô quá lớn của công ty. Ngoài ra, doanh thu ước tính của toàn bộ nhà máy bên ngoài Đài Loan được dự đoán chưa đến 10%.

Bảo Lâm (theo FT)