Dẫn nguồn tin trong lĩnh vực bán dẫn, SCMP cho biết TSMC đang đẩy mạnh sản xuất ở nước ngoài với quy mô chưa từng có. Nhiều địa điểm được hướng tới, trong đó có nhà máy ở Arizona (Mỹ) trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, công ty Đài Loan đang thất vọng do gặp khó khăn trong tuyển dụng công nhân lành nghề, cũng như bị hạn chế đưa nhân sự từ Đài Loan sang.
Hai nguồn tin cho biết TSMC nhận thấy Nhật Bản là điểm đến mới hợp lý. Công ty đang xây dựng một nhà máy chip trị giá 8,6 tỷ USD trên đảo Kyushu, dự kiến vận hành vào năm sau. Công ty cũng có kế hoạch xây nhà máy thứ hai ở Nhật Bản với mục tiêu tạo ra những mẫu chip siêu hiện đại, chưa được sản xuất trước đây.
Trong khi đó, nhà máy đang xây ở Arizona phải dời sang năm 2025 mới đưa vào sản xuất. Hồi tháng 7, CEO TSMC Mark Liu cho biết họ đầu đầu dự định sản xuất chip tại đây trong nửa đầu 2024. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề như sự thiếu hụt công nhân kỹ thuật cao và chi phí vận hành lớn khiến mọi thứ không theo kế hoạch.
TSMC từ chối bình luận, nhưng cho biết đang nỗ lực xây nhà máy trên toàn cầu, gồm cả Mỹ, Nhật Bản và Đức. “Mọi thứ vốn không thể so sánh được do sự khác biệt về vị trí, cách xây dựng và phạm vi ảnh hưởng”, đại diện công ty nói.
Theo giới phân tích, TSMC đang coi Nhật Bản là nơi phù hợp hơn nhờ văn hóa làm việc tương đồng, mạng lưới nhà cung cấp vật liệu gần và rộng khắp, đồng thời chính phủ nước này dễ dàng giải quyết yêu cầu và hào phóng với các khoản trợ cấp. “Mối quan hệ giữa TSMC và chính phủ Nhật Bản là đôi bên cùng có lợi”, nhà phân tích Lucy Chen của Isaiah Research nhận xét.
Bên cạnh đó, đội ngũ lao động Nhật Bản cũng được đánh giá là kỷ luật, làm việc theo lịch trình khắt khe hơn và sẵn sàng làm thêm giờ khi hệ thống máy sản xuất chip vận hành suốt ngày đêm trong phòng sạch vô trùng.
“Rất nhiều hệ thống sản xuất chip không thể tắt, bởi sẽ tốn chi phí để hiệu chỉnh mỗi khi khởi động lại”, một giám đốc ở lĩnh vực chip nói với Reuters.
Nhật Bản hiện có tham vọng tỷ USD để phục hưng ngành chip sau thời gian dài tụt hậu. Gần đây, Rapidus, công ty được hậu thuẫn bởi Sony, Toyota và Chính phủ Nhật Bản, đang huy động hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip. Nước này hiện chỉ sản xuất được các mẫu chip từ 40 nm.
Bảo Lâm (theo SCMP, Reuters)