Nàng Barbie là bộ phim mới nhất tấn công các nền tảng phát trực tuyến. Nhưng thay vì được chiếu chính danh, chúng xuất hiện dưới dạng các video ngắn do người dùng tải lên ở nhiều nền tảng, nổi bật nhất là TikTok. Đây cũng không phải là phim duy nhất trở thành nạn nhân, bởi các chương trình truyền hình, phim dài tập, phim chiếu rạp… cũng được phát theo cách tương tự.
Những người đăng nội dung cũng tìm cách lách chế độ kiểm duyệt của TikTok. Chẳng hạn, nếu tìm kiếm với từ khóa “Barbie” hay “Barbie 2023” trên nền tảng này, kết quả chỉ là các video bình luận, nhận xét của người dùng. Nhưng sau đó, thuật toán For You của TikTok sẽ đề xuất phim thực sự, nhưng dưới các tiêu đề khó hiểu như “Phần 7”, “Tập 8”. Khi người dùng nhấp xem một video, các nội dung khác sẽ “nối đuôi nhau” hiển thị và biến thành một bộ phim hoàn chỉnh.
Theo ghi nhận của WSJ, các tài khoản đăng nội dung phim hiện thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi, trong khi video cũng có hàng nghìn lượt thích, bình luận và hàng triệu lượt xem. Hầu hết video có thời lượng từ hai đến ba phút, nhưng một số có thể dài tới 10 phút. Giới luật sư làm việc tại Hollywood cho rằng những tài khoản này đã vi phạm luật bản quyền và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các hãng phim và truyền hình. Đó là lý do tại sao tên phim thường không xuất hiện trong các bài đăng.
Trong khi đó, TikTok đang trở thành nền tảng để người Mỹ xem phim miễn phí. Với thuật toán đề xuất nội dung chuẩn xác, mạng video này “hiểu” người dùng ăn gì, uống gì, mua gì và xem gì. Theo công ty nghiên cứu Insider Intelligence, tổng số phút sử dụng hàng ngày của nền tảng do ByteDance đứng sau đã vượt qua Instagram từ đầu năm.
“Tôi đã xem phim ở đó rồi, chỉ cần lướt TikTok”, JayCee Hughes, 30 tuổi, hiện là kỹ sư âm thanh ở Chicago, cho biết.
Hughes đăng ký tài khoản trả phí cho nhiều dịch vụ trực tuyến, như Netflix hay Hulu. Tuy nhiên, anh thừa nhận thích xem TikTok hơn nhờ thuật toán đề xuất những gì yêu thích. “Các nội dung tự tìm đến tôi, thay vì phải đi tìm kiếm như trước”, Hughes nói. “Tôi không bật TV nhiều như trước nữa vì mọi thứ đều nằm trong lòng bàn tay”.
Trong khi đó, giới nghệ sĩ lẫn các hãng phim đang đau đầu với vấn nạn kể trên. Jan van Voorn, giám đốc bảo vệ nội dung toàn cầu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) cho biết việc giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền hiện được thực hiện trên quy mô thương mại và mang tính toàn cầu, nhưng không phải trên cơ sở từng tiêu đề. “Tôi chắc chắn rằng nạn vi phạm bản quyền sẽ không bao giờ biến mất”, Voorn nói.
Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DMCA) được Mỹ thông qua năm 1998, là luật bảo vệ bản quyền trên nền tảng Internet nhằm tránh tình trạng sử dụng bất hợp pháp các nội dung số. Nhưng theo Aaron Moss, luật sư chuyên về bản quyền của công ty luật Greenberg Glusker có trụ sở tại Los Angeles, luật này đang đẩy trách nhiệm cho các hãng phim, nhà sáng tạo, buộc họ phải tự bảo vệ sản phẩm của mình thông qua hình thức báo cáo, còn các nền tảng không phải chịu nhiều trách nhiệm.
“Chỉ cần hành động nhanh chóng bằng cách xóa tài liệu vi phạm, nền tảng sẽ được bảo vệ”, Moss nói.
Trong khi đó, phía TikTok cho biết họ nghiêm cấm các nội dung vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, đồng thời cung cấp cho các chủ sở hữu tác phẩm các công cụ báo cáo hành vi vi phạm. Báo cáo về hành vi vi phạm bản quyền hồi tháng 6 của hãng cũng cho thấy, giai đoạn tháng 7-12/2022, TikTok đã xóa hơn 168.000 nội dung vi phạm, cao hơn mức 94.000 của giai đoạn tháng 1-6/2022 và 50.000 của tháng 7-12/2021.
Bảo Lâm (theo WSJ)