Trong chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, diễn ra sáng 10/10 ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đánh giá trong năm dữ liệu số quốc gia, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, số hóa dữ liệu.

Cụ thể, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia được đánh giá hoạt động hiệu quả với gần 1,6 triệu giao dịch hàng ngày. Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu xác thực thông tin. CSDLQG bảo hiểm xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu, CSDLQG hộ tịch điện tử có 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó trên 9,2 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân. CSDLQG về cán bộ công chức viên chức đã kết nối với 100% bộ ngành địa phương. Hệ thống thông tin của chính phủ đã kết nối với 80 bộ ngành địa phương, tổng công ty, chia sẻ dữ liệu hàng ngày cho 15 địa phương để quản lý, điều hành.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ số trong nước tiên phong trong triển khai CSDL quốc gia và chuyên ngành, xây dựng nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nền tảng tài chính, thanh toán, dịch vụ gia tăng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số Việt Nam thời gian qua.

“Đây là sự cố gắng lớn”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chuyển đổi số luôn có hai mặt, vừa là thời cơ, nhưng cũng vừa có khó khăn, thách thức, như trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số, hạ tầng dữ liệu số, an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, hay thách thức về nguồn nhân lực.

Theo Thủ tướng, CSDLQG là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa bộ ngành địa phương, các cấp chính quyền, giữa công và tư.

“Chỗ này chúng ta còn đang yếu. Chúng ta chia sẻ kết nối dữ liệu, thu thập dữ liệu còn yếu”, Thủ tướng nói và cho biết tình trạng này xảy ra ở tất cả bộ, ngành, địa phương. “Với quan điểm dữ liệu là tài nguyên quốc gia, cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, giá trị của dữ liệu số, trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của kỷ nguyên số”.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện, sáng 10/10. Ảnh: Tuấn Bùi

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia, sáng 10/10. Ảnh: Tuấn Bùi

Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá hai điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số toàn dân, toàn diện là phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực. Về hạ tầng, không thể phát triển công nghệ số mà thiếu điện và thiếu sóng. Nêu tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông kêu gọi các doanh nghiệp tiên phong phủ sóng và đưa lưới điện đến mọi người dân.

“Cơ sở hạ tầng, đặc biệt sóng và điện phải đảm bảo cho mọi người dân, ở mọi nơi trên đất nước, đặc biệt vùng sâu vùng xa, hải đảo biên giới, dân tộc ít người. Để thiếu điện thiếu sóng thì không thể toàn dân toàn diện được”, Thủ tướng nói.

Về nguồn lực, người dân cũng cần tham gia thúc đẩy sự phát triển, bởi người dân cùng với doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển trong chuyển đổi số.

Tại sự kiện, Thủ tướng cũng nêu bốn ưu tiên trong chuyển đổi số tại Việt Nam, gồm: phát triển dữ liệu số và coi đây là tài nguyên quốc gia; phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp; phát triển các nền tảng số, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia; và đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh con người.

Lưu Quý