Tại diễn đàn High-tech Business Forum chiều 2/11 ở Hà Nội, ông Mark Rutte cho biết chuyến thăm lần này “không chỉ mang đến cho Việt Nam cơ hội kinh doanh mới mà còn cả kinh nghiệm về xây dựng hệ sinh thái hợp tác công nghệ cao”.
“Tôi hy vọng đây là điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên hợp tác giữa hai quốc gia, kết nối những người chơi có liên quan trong hệ sinh thái, các công ty lớn, nhỏ, các viện nghiên cứu và tổ chức công nghiệp của Việt Nam, Hà Lan. Chính phủ sẽ tạo điều kiện và ủng hộ sự hợp tác đó”, ông nói.
Theo Thủ tướng Hà Lan, trong những thập kỷ qua, nhiều công ty công nghệ cao nước ngoài đã đến Việt Nam, qua đó đóng góp đáng kể vào xuất khẩu và GDP trong nước. Một số doanh nghiệp công nghệ của Hà Lan cũng đang đặt chân lên Việt Nam, như Besi – công ty bán dẫn chuẩn bị nhận giấy phép đầu tư cho một cơ sở mới tại TP HCM.
“Tôi chắc chắn sẽ còn nhiều điều diễn ra, vì Việt Nam có tiềm năng phát triển hơn nữa, như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Bây giờ là lúc thích hợp để đẩy nhanh sự phát triển đó”, ông nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Chúng tôi cam kết nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ thành công. Chúng tôi sẽ đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của các bạn trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Nhắc lại mục tiêu của Việt Nam đến 2030 là nước đang phát triển có nền kinh tế theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình và đến 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Thủ tướng nói đây là những mục tiêu rất tham vọng, vì vậy cần có những giải pháp phù hợp để thực hiện. Trong đó, một trong những giải pháp của Việt Nam là xác định khoa học công công nghệ, đổi mới sáng tạo, là động lực mới cho phát triển, bên cạnh đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực.
“Trong chiến lược chung đó, chúng tôi muốn xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nhà đầu tư công nghệ cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thu hút doanh nghiệp, ông cho biết Việt Nam đảm bảo môi trường chính trị, an ninh, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, để các nhà đầu tư hoạt động lâu dài. Về hạ tầng, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông để phục vụ hoạt động logistics. Về pháp lý đã tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách. Những biện pháp này giúp các doanh nghiệp có thể giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm, từ đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tại diễn đàn, 25 doanh nghiệp của Hà Lan cũng có mặt và tìm cơ hội hợp tác. Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là công ty công nghệ cao trong các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng, kinh tế toàn tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
“Việt Nam là đối tác lớn nhất trong ASEAN của Hà Lan, Hà Lan cũng là đối tác đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai châu Âu của Việt Nam. Với nền tảng đã có, cùng những điều kiện chúng ta đã thực hiện được, tôi tin trong tương lai sẽ tốt hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng gợi ý các doanh nghiệp tại diễn đàn có thể tham khảo hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc khi vào Việt Nam, điển hình là Samsung. Từ mức ban đầu vài tỷ USD, Samsung hiện đã đầu tư 20 tỷ USD. “Mong các công ty công nghệ cao tham khảo kinh nghiệm Samsung đã làm với Việt Nam. Chúng tôi sẽ đáp ứng, bàn bạc, chia sẻ những kinh nghiệm này để các bạn vào làm việc tốt hơn”, ông nói.
Lưu Quý