Các nhà nghiên cứu dự đoán chỉ trong thị trường B2B, doanh thu thanh toán trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt gần 1.400 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,5%. Một phần quan trọng của sự tăng trưởng này nằm trong phân khúc chuyển tiền xuyên biên giới.
Thị trường thanh toán sôi động
Di cư và thương mại toàn cầu thúc đẩy sự tăng trưởng của các khoản thanh toán. Tỉ lệ di cư cao đồng nghĩa với một lượng lớn lao động châu Á gửi tiền về cho gia đình dưới dạng kiều hối thường xuyên. Với nhiều quốc gia, các dòng vốn này là nguồn doanh thu chính. Chẳng hạn, Ấn Độ đã nhận 89,4 tỷ USD kiều hối vào năm 2021 và dự kiến nhận 100 tỷ USD vào năm 2022.
Lĩnh vực trò chơi trực tuyến trị giá 197 tỷ USD tại châu Á – Thái Bình Dương (theo báo cáo của Statista) là một nguồn tiềm năng của dòng tiền khu vực. Chưa kể, nhiều người có xu hướng gia nhập “nền kinh tế sáng tạo”, xuất bản nội dung trực tuyến tạo ra thu nhập từ các nền tảng xuyên quốc gia. Giáo dục và bất động sản cũng tác động đến sự tăng trưởng của các khoản thanh toán ra nước ngoài. Sinh viên châu Á chiếm khoảng 53% số sinh viên nước ngoài tại các cơ sở giáo dục trên thế giới.
Người châu Á hiện có sự hiện diện đáng kể trên thị trường bất động sản quốc tế, góp phần tăng dòng tiền ra nước ngoài. Theo National Association of Realtor, tại Mỹ, người mua từ Trung Quốc chiếm 6% tổng người mua nước ngoài, với giá trung bình mua khoảng hơn một triệu USD.
Giải pháp kỹ thuật số thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới
Thanh toán xuyên biên giới được dự báo còn tiếp tục tăng trưởng nhanh do sự nở rộ của các giải pháp kỹ thuật. Đây là kết quả từ việc gia tăng thiết bị kết nối, công nghệ tài chính, đổi mới dịch vụ ngân hàng. Nhiều giải pháp thế hệ mới được phát triển bởi các mạng thanh toán toàn cầu cũng giúp dòng tiền luân chuyển thanh hơn. Theo khảo sát Visa Direct thực hiện tại Singapore năm 2022, 75% người dùng lựa chọn sử dụng các ứng dụng chuyển tiền xuyên biên giới nhờ trải nghiệm tốt.
Các giải pháp thanh toán thế hệ mới giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến khoảng cách địa lý, thời gian giao dịch. Người dùng hiện tại có thể chuyển tiền quốc tế thông qua ví điện tử, thẻ hoặc tài khoản ngân hàng với chi phí phù hợp tùy trường hợp và quy mô giao dịch. Tài chính toàn diện là một điểm hấp dẫn khác của các giải pháp này. Ví dụ, việc giảm chi phí chuyển tiền về các quốc gia như Bangladesh và Philippines cho phép gia đình người lao động nhập cư nhận tỷ lệ phần trăm cao hơn số tiền gửi từ Singapore.
Ngoài ra, nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử cũng hưởng lợi từ việc thanh toán xuyên biên giới tức thì. Việc thực hiện giao dịch đơn giản, gọn nhẹ giúp họ xử lý những đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới nhanh và hiệu quả hơn.
Visa Direct – đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển tiền xuyên biên giới, cho rằng sự bùng nổ của công nghệ hiện tại đã giải quyết nhiều thách thức hiện có như khoảng cách địa lý, giảm thời gian chờ đợi cũng như tiết kiệm phí giao dịch. Công nghệ và các giải pháp kỹ thuật giúp các ngân hàng, doanh nghiệp fintech, người chuyển tiền và người bán duy trì và hướng đến mở rộng thị phần.
Chẳng hạn với Visa Direct, đơn vị này có 7,5 tỷ điểm cuối dùng để nhận thanh toán riêng biệt trên một mạng lưới. Người dùng có thể tùy chọn gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc thẻ trên một nền tảng duy nhất. Visa Direct cho phép các cá nhân và tổ chức gửi tiền đến bất kỳ tài khoản ngân hàng nào tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đơn vị hỗ trợ giao dịch với 130 loại ví điện tử khác nhau ở hơn 50 thị trường.
Hoài Phương