Ứng dụng Grac đang thử nghiệm tại một số vựa ve chai khu vực quận 3, quận Gò Vấp, quận Tân Bình với quy mô một triệu dân. Theo tính toán của đơn vị, hàng ngày lượng nhựa PET thu gom được khoảng một tấn.


Mục tiêu thu gom của đơn vị Ảnh: Grac

Mục tiêu thu gom của đơn vị. Ảnh: Grac

Tổng số dữ liệu đã cập nhật lên phần mềm là 600.000 hộ gia đình, 30.000 chủ nguồn thải tại 150 địa phương (phường, xã). Dự kiến đầu năm 2024 sẽ số hóa 1,5 triệu hộ gia đình, 100.000 chủ nguồn thải ở TPHCM. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu gom 589.500 tấn rác thải nhựa.

Nền tảng phát triển bởi Công ty cổ phần công nghệ Grac với hai sản phẩm: phần mềm Saas ERP dành cho cơ quan quản lý nhà nước, công ty thu gom rác thải, vựa ve chai… và ứng dụng Grac – sống xanh cùng Saola dành cho người dân.

Học hỏi mô hình thu gom và quản lý rác thải nhựa từ các nước phát triển trên thế giới, Grac kết nối người dân với người nhặt ve chai, vựa ve chai và nhà máy tái chế. Người dân có thể đặt lịch thu gom rác thải cồng kềnh, nhận hướng dẫn phân loại rác, tra cứu và thanh toán tiền rác qua ví điện tử. Tất cả hoạt động sẽ được gửi về UBND quận – Phòng Tài nguyên và môi trường, tiếp nhận khiếu nại nếu có.


Hai ứng dụng của Grac. Ảnh: Grac

Hai ứng dụng của Grac. Ảnh: Grac

Người thu mua rác thải nhựa và chủ vựa ve chai cũng có nhiều tiện ích như quản lý dữ liệu về hộ gia đình, chủ nguồn thải… hiệu quả, nhanh chóng, độ chính xác cao, tiết kiệm thời gian ghi chép, thống kê thủ công.

Đại diện đơn vị cho biết, Grac không chỉ giúp chuyển đổi số quản lý rác thải, mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người môi trường và xã hội. Ứng dụng góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường, qua đó khuyến khích họ giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, phân loại rác thải tại nguồn, tham gia các chương trình thu gom – tái chế rác thải nhựa. Mô hình này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xanh, qua đó tạo ra nhiều việc làm, thu nhập và thuế cho xã hội.


Mô hình hoạt động qua nền tảng. Ảnh: Grac

Mô hình hoạt động qua nền tảng. Ảnh: Grac

Đại diện trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, cho biết rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm; lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới.

Trong số đó, chỉ có khoảng 27% rác thải nhựa được tái chế và tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp. Điều này cho thấy việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế. Hiện có khoảng 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt; chỉ có 10% còn lại được tái chế.

Với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, điển hình như Grac, sẽ góp phần mang đến giải pháp hiệu quả cho thực trạng thu gom và tái chế rác thải nhựa. Công nghệ giúp người dân dễ dàng báo cáo vị trí của rác thải nhựa. Các tổ chức thu gom rác sau đó có thể sử dụng thông tin này để tối ưu hóa lộ trình thu gom của họ, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Cũng nhờ công nghệ các máy móc có thể được lập trình để tự động phân loại rác thải nhựa dựa trên loại và màu sắc, tăng hiệu suất của quy trình tái chế.

Ứng dụng Grac ra đời phù hợp bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu để đến năm 2025 có thể thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy lối sống xanh.

Minh Tú