Theo LightReading, những công ty viễn thông nhỏ, ở vùng nông thôn vẫn dùng thiết bị của Huawei và ZTE do liên quan đến vấn đề kinh phí. Chẳng hạn, Viaero Wireless có thời hạn phải ngừng sử dụng thiết bị Huawei vào 18/11. Hồi tháng 5, công ty đã viết đơn xin gia hạn thêm 6 tháng do không đủ tiền thay thế hạ tầng mới.
“Là công ty nhỏ hoạt động ở vùng nông thôn, chúng tôi thiếu nguồn tài chính cho các dự án, vì Quốc hội chỉ cung cấp 40% số tiền cần thiết”, đại diện Viaero Wireless cho biết. “Quốc hội nói việc thay thế thiết bị liên lạc trong hạ tầng mạng là cần thiết cho an ninh quốc gia, nhưng cần tài trợ đủ để làm điều đó. Nếu không, Viaero Wireless đơn giản không thể hoàn thành việc thay thế. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho phép một số nhà mạng và công ty khai thác viễn thông có thêm thời gian để loại bỏ và thay thế thiết bị Huawei và ZTE khỏi hệ thống của mình. Như với trường hợp của Viaero Wireless, FCC xác nhận “việc thiếu kinh phí khiến Viaero không thể hoàn thành quy trình loại bỏ, thay thế và xử lý tương ứng”.
Đầu 2020, cơ quan quản lý viễn thông Mỹ đã bỏ phiếu yêu cầu các nhà mạng nông thôn loại bỏ và thay thế thiết bị của Huawei và ZTE. Đến tháng 6/2020, FCC chính thức tuyên bố hai hãng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nhà Trắng cũng ra sắc lệnh cấm các công ty Mỹ được khai thác nguồn quỹ trị giá 8,3 tỷ USD của chính phủ để mua thiết bị từ Huawei và ZTE.
Tháng 9/2020, FCC cho biết Quốc hội Mỹ sẽ chi tiền cho nhà mạng để thay thế thiết bị chuyển mạch, bộ định tuyến cũ được cung cấp bởi nhà thầu Trung Quốc.
Cũng theo FCC khi đó, có hơn 50 công ty viễn thông sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ của ZTE, Huawei. Ngoài một số tên tuổi lớn, như CenturyLink và Verizon, còn lại là những công ty có quy mô nhỏ như JVT, Viaero, Mediacom, All Points Broadband và WorldCell. Đây đều là các doanh nghiệp đã nhận được giấy phép gia hạn thêm thời gian loại bỏ thiết bị Huawei và ZTE khỏi hạ tầng của mình thời gian qua.
Bảo Lâm (theo PhoneArena)