Trong video đăng trên YouTube ngày 28/9, Peter Dering, người sáng lập Peak Design – công ty nổi tiếng về ốp lưng iPhone, túi du lịch và phụ kiện chụp ảnh – cầm trên tay ốp mới cho iPhone 15 Pro15 Pro Max. Ở vị trí phím Action, công ty khoét một lỗ lớn thay vì thiết kế vừa khít để có thể bấm được như phím tăng/giảm âm lượng bên dưới. Điều này khiến người dùng khó thao tác với phím Action hơn.


Chiếc ốp do Peak Design sản xuất. Ảnh: Peak Design/YouTube

Ốp lưng do Peak Design sản xuất. Ảnh: Peak Design/YouTube

Peak Design cho biết đã sản xuất 30.000 ốp và một nửa trong số đó đã được đặt mua. Tuy nhiên, công ty lo ngại người dùng có thể trả hàng vì không phù hợp với iPhone mới nhất. Giá ốp lưng cho dòng iPhone 15 Pro niêm yết trên website là 49,95 USD, tức họ có thể mất 1,5 triệu USD doanh thu nếu không bán được. Ước tính chi phí sản xuất ốp thấp hơn nhiều, nhưng cũng lên đến hàng trăm nghìn USD.

Dering cũng giải thích lý do chọn thiết kế cũ trong bài đăng trên Reddit. “Chúng tôi nghe tin đồn về phím Action nhiều tháng, nhưng vẫn tin Apple sẽ giữ lại thiết kế cũ vì nó đem lại trải nghiệm tốt”, ông nói. “Khi cầm điện thoại của Apple trên tay và trải nghiệm phím Action, chúng tôi cũng thất vọng không kém”.

Ông cho biết người dùng iPhone 15 Pro và 15 Pro Max đã đặt hàng sản phẩm có ba tùy chọn. Họ có thể yêu cầu một “bộ công cụ hỗ trợ phím” bổ sung kèm phiếu quà tặng trị giá 15 USD, dự kiến có mặt giữa tháng 11 nhưng “không chắc chắn về khả năng tồn tại” của nó.

Khách hàng cũng có thể chọn phương án thứ hai là giữ ốp và nhận phiếu quà tặng trị giá 40 USD. Phương án cuối cùng là đổi ốp mới hỗ trợ phím Action đầy đủ, nhưng phải cuối tháng 11 mới nhận được hàng. Dering cho biết tình huống này rất tệ với công ty, nhưng “tổn thất về lợi nhuận chỉ là ngắn hạn”.

Thông thường, vài tuần trước khi iPhone thế hệ mới ra mắt, các công ty sản xuất phụ kiện đã chuẩn bị sẵn một số mặt hàng, như ốp lưng, để lập tức tung ra thị trường khi điện thoại mới trình làng. Ngoài một số ít đối tác phụ kiện có cơ hội làm việc trực tiếp với Apple, những công ty còn lại phải phỏng đoán hình dáng iPhone dựa trên nguồn nội bộ hay tin đồn. Tuy nhiên, đây được xem là ván cược “được ăn cả, ngã về không” và phải trả giá khi thiết kế sai.

Chia sẻ với WSJ đầu tháng 9, Dering nói công ty đã sẵn sàng cung ứng 75.000 phụ kiện iPhone 15 và 50% doanh thu hàng năm của công ty là nhờ sự kiện ra mắt iPhone và dịp Giáng sinh. “Nếu tính toán sai, chúng tôi sẽ mất 6-8 tuần để làm lại”, Dering nói khi đó.

“Chúng tôi không biết thiết bị thực sự trông như thế nào cho đến khi Tim Cook, CEO Apple, giới thiệu trên sân khấu”, Ruben Rodriguez, đại diện truyền thông của công ty ốp cường lực Casetify, cũng nói. Theo ông, để giảm thiểu rủi ro, các nhà sản xuất thường chuẩn bị sẵn khuôn mẫu để có thể sản xuất hàng loạt ngay khi iPhone mới ra mắt. Nếu có bất kỳ khác biệt nào so với dự kiến, kỹ sư sẽ lập tức tinh chỉnh sản phẩm.

Peak Design không phải là công ty phụ kiện duy nhất phải trả giá do dự đoán sai thiết kế iPhone. Năm 2020, Smartish, công ty phụ kiện tại Texas, từng phải đổi trả toàn bộ ốp lưng sản xuất sớm cho người dùng do thế hệ iPhone 12 bất ngờ được Apple thiết kế lại. Dù kịp thời khắc phục sự cố, Smartish vẫn bỏ lỡ cơ hội gặt hái lợi nhuận của năm 2020.

Bảo Lâm (theo Phonearena)