Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định và chủ đề của Hội thảo Công nghệ thông tin & Truyền thông lần thứ 24 (ICT 24) do Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Hội tin học Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức tại TP Quy Nhơn trong hai ngày 21 và 22/9.
Tại hội thảo, lãnh đạo địa phương và các chuyên gia công nghệ cùng bàn thảo về vai trò của dữ liệu cũng như các ứng dụng liên quan, nhằm phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ chính quyền ra quyết định điều hành, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, hiệu quả công việc.
Bình Định hiện là trung tâm công nghệ của miền Trung, nơi đặt trung tâm nghiên cứu, cơ sở của các công ty công nghệ hàng đầu như FPT, TMA, VNPT… Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Bình Định cho biết thời gian qua, tỉnh có nhiều động thái trong chuyển đổi số thể hiện rõ nét trong bốn lĩnh vực gồm: hạ tầng số; công nghiệp, công nghệ thông tin; nghiên cứu công nghệ thông tin và dữ liệu số. Các kho dữ liệu chuyên ngành và kho dữ liệu dùng chung đã được ứng dụng, phân tích, hỗ trợ lãnh đạo trong việc ra quyết định điều hành, quản lý.
Cùng với đó, địa phương tập trung hoàn thiện kho dữ liệu chuyên ngành như cơ sở dữ liệu về dân cư, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai… Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết, trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành giáo dục do VNPT Bình Định cung cấp đã giúp kết nối toàn bộ dữ liệu các trường, từ cấp tiểu học đến cao đẳng, đại học. Qua đó, sở có thể nắm được tình hình học tập, giảng dạy một cách trực quan bằng các biểu đồ. Đơn cử như tổng số học sinh, số học sinh vắng học, lượng giáo viên các bộ môn. Từ đó có những chỉ đạo phù hợp đến các phòng giáo dục và các trường.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh này nói, khi áp dụng các phần mềm vào thống kê, đơn vị đã chỉ đạo cập nhật định kỳ, để có dữ liệu toàn vẹn, xuyên suốt, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Bình Định đã thực hiện được nhiều hoạt động quan trọng trong chuyển đổi số. Một trong số đó là việc cải thiện công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp dựa trên dữ liệu; phát triển Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định với sự góp mặt của các DN công nghệ uy tín; và hướng tới mục tiêu xây dựng TP Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu cả nước.
Trong vai trò là doanh nghiệp cung cấp các giải pháp số cho các địa phương, VNPT cho biết, sau khi ứng dụng công nghệ để phân tích dữ liệu về thủ tục hành chính, kết quả cho thấy có hơn 34.000 hồ sơ (chiếm gần 10% ) có thời gian chờ nhận kết quả lớn hơn thời gian xử lý hồ sơ. Từ đó, cơ quan chuyên môn đưa ra khuyến nghị nghiên cứu trả kết quả điện tử các thủ tục hành chính; cải tiến các phương thức trả kết quả như qua dịch vụ bưu điện; bộ phận một cửa và hệ thống chủ động yêu cầu công dân/doanh nghiệp nhận kết quả đúng hạn.
Là một trong số thành phố ứng dụng công nghệ trong quá trình điều hành, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, dữ liệu là một trong ba trục của chuyển đổi số ở địa phương gồm: trục hạ tầng, trục thông minh (Cloud, IoT, AI), và dữ liệu số.
Trong đó, chính quyền “thành phố đáng sống” xây dựng và thu thập dữ liệu từ các hệ thống của trung ương, địa phương, bảo đảm công tác điều hành tác nghiệp dựa trên dữ liệu để ra quyết định.
Ngoài kho dữ liệu dùng chung, thành phố này còn có cổng dữ liệu mở, nền tảng quan trắc, nền tảng giám sát đỗ xe, nền tảng hành trình số, nền tảng công dân số. Thành phố còn có nền tảng phân tích dữ liệu thông minh bao gồm các thư viện thuật toán, mô hình học có giám sát, không giám sát,..; module Data Studio trình diễn dữ liệu.
Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng còn là thành phố đầu tiên ở Việt Nam đưa blockchain vào quản trị với Danang Chain (blockchain có 7 node đang vận hành thử nghiệm). Các sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng như đá non nước Ngũ Hành Sơn đang được mã hóa thành NFT để thương mại hóa trên chợ web3.
Ông Nguyễn Công Thị, Chuyên gia của tập đoàn VNPT cho rằng, dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số, càng khai thác mở rộng thêm nhiều dữ liệu thì càng tăng thêm giá trị. Dữ liệu cũng là yếu tố xuyên suốt để chính quyền dẫn dắt, định hướng, doanh nghiệp người dân cùng tham gia xây dựng. Việc tạo ra dữ liệu lớn nhằm tạo cơ hội để định hình lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Song, chuyên gia này nhìn nhận, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành với địa phương còn nhiều hạn chế, còn tình trạng “cát cứ thông tin”. Mỗi địa phương đang triển khai theo một cách khác nhau, không có mô hình tham chiếu chuẩn để đảm bảo dữ liệu thống nhất từ trên xuống dưới. Chưa kể các dữ liệu thô, nằm rải rác ở các hệ thống phân tán, rời rạc, thiếu đồng bộ.
Do đó, ông đề xuất xây dựng mô hình tham chiếu dữ liệu chuẩn đề định hướng chiến lược phát triển dữ liệu và đảm bảo thống nhất từ trung ương xuống địa phương; xây dựng nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ lưu trữ (cấu trúc, phi cấu trúc, bán cấu trúc) và phân tích lượng lớn…
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, các bộ ngành địa phương cần tập trung thúc đẩy phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu của địa phương mình, thực hiện chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả. “Dữ liệu càng chia sẻ, càng được sử dụng nhiều thì càng tạo ra nhiều giá trị”, ông nói.
Về nền tảng số, ông Dũng nhấn mạnh đây là cách tiếp cận chuyển đổi số rất đặc thù của Việt Nam, thay đổi từ sử dụng phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng số toàn ngành, toàn tỉnh, toàn quốc từ đó việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu mới có thể thực hiện được thông suốt.
“Công nghệ số lúc đó giống như điện, giống như nước. Nền tảng số giống như điện lưới, như nước máy. Ai cũng có thể sử dụng, với giá rẻ, dùng đến đâu trả tiền đến đó”, Thứ trưởng nói.
Phạm Linh