Tại hội thảo Internet Day 2023 do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức ngày 22/11 ở Hà Nội, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá hạ tầng Internet Việt Nam còn hạn chế so với dân số, được thể hiện một phần ở việc Việt Nam chỉ có năm tuyến cáp quang biển. Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh, Giám đốc sản phẩm VinBigdata, nhận định Internet tương lai sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào cáp quang và người dùng có thể truy cập ở mọi nơi mà không cần lo về trở ngại địa lý.

Hiện các quốc gia phải kéo dây cáp dưới biển và đất liền để duy trì kết nối. Tuy nhiên, theo ông Kim Anh, giải pháp truyền tải dữ liệu không dây, ví dụ Internet vệ tinh, đang ngày một phát triển, cho thấy khả năng thay thế phương pháp cũ.

“Khi hoàn thiện về mặt công nghệ, sẽ không có sự khác biệt về tốc độ truyền tải dữ liệu giữa Internet vệ tinh và dây cáp”, ông nói. “Internet vệ tinh còn sở hữu một số ưu điểm như dễ vận chuyển, lắp đặt, vận hành, nên đủ sức cạnh tranh với cáp quang”.

Chuyên gia này đánh giá xu hướng chuyển dịch sang Internet vệ tinh tương tự việc người dùng từng rời bỏ điện thoại bàn, có dây kết nối để lựa chọn thiết bị di động. Dù vậy, để dịch vụ tăng mức phủ sóng và giảm chi phí vẫn cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các quốc gia nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, tăng mật độ vệ tinh trên quỹ đạo cũng như số lượng thiết bị truyền dẫn mặt đất.


Hai bộ Starlink thu Internet vệ tinh được thử nghiệm tại một sự kiện ở Hà Nội, tháng 10. Ảnh: Lưu Quý

Hai bộ Starlink thu Internet vệ tinh được thử nghiệm tại một sự kiện ở Hà Nội tháng 10. Ảnh: Lưu Quý

Hiện người dùng mạng Việt Nam liên kết với thế giới qua ba con đường, gồm cáp quang biển, cáp đất liền và vệ tinh. Cáp biển giữ vai trò chính, nhưng dễ bị tổn hại bởi những yếu tố ngoài ý muốn, gây gián đoạn truy cập Internet đi quốc tế của người dùng trong nước.

Do đó, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cũng đánh giá việc phát triển Internet vệ tinh sẽ là xu thế, giúp người dân và doanh nghiệp có thêm lựa chọn để cải thiện khả năng hòa mạng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi cáp quang khó vươn đến hoặc lõm sóng di động.

Việt Nam đã có gói Internet vệ tinh cung cấp bởi nhà mạng trong nước. Tuy nhiên, vì dùng loại vệ tinh địa tĩnh nằm cách xa Trái Dất, tốc độ truyền tải dữ liệu của dịch vụ chưa cao, chỉ phù hợp cho một số trường hợp nhất định. “Việc sử dụng vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ giúp Internet đạt băng thông rộng, độ trễ thấp. Nhưng Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào có thể đầu tư”, ông nói.

Cũng tại hội thảo, ông Laurent Tran Dien, đại diện SpaceX – công ty phát triển dịch vụ Starlink, cho biết Internet vệ tinh không chỉ giúp tiếp cận thông tin để phục vụ đời sống, mà còn đặc biệt hữu dụng khi có các thảm họa tự nhiên như bão, động đất.

“Việc duy trì tương tác là điều quan trọng trong công tác cứu hộ. Khi phương pháp truyền tin khác bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Internet vệ tinh vẫn có thể đảm bảo liên lạc cho khu vực gặp thảm họa”, ông nói.

Tuy nhiên, Internet vệ tinh chưa phổ biến ở Việt Nam một phần do trở ngại về giá. Với kết nối Internet băng rộng cố định, người dùng Việt chỉ cần chi dưới 200 nghìn đồng cho băng thông trên 100 Mbps, miễn phí thiết bị đầu cuối. Trong khi đó, dịch vụ như của Starlink yêu cầu trả 599 USD (14 triệu đồng) cho thiết bị, chưa tính giá thuê bao 99 USD (2,3 triệu đồng) mỗi tháng. VNPT, nhà mạng duy nhất ở Việt Nam có mạng thông tin vệ tinh, cũng tính phí tối thiểu 1,6 triệu cho thuê bao tháng.

Ngoài ra, Internet vệ tinh khó triển khai do yêu cầu đặc biệt nhằm đảo bảo chất lượng và an ninh. Các dịch vụ nước ngoài như Starlink được xếp vào nhóm dịch vụ xuyên biên giới, phải tuân thủ Luật Viễn thông. “Đây là ngành kinh doanh có điều kiện nên có những điều khoản rất chặt. Điều này vừa để bảo vệ thị trường trong nước, vừa bảo đảm về an toàn thông tin”, đại diện Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hồi tháng 2.

Starlink đang muốn xin giấy phép để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng từ hình thức kết nối mới, trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung một số quy định với dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh. Các quy định này nhằm đảm bảo Internet vệ tinh hoạt động theo quy tắc an toàn, an ninh tại Việt Nam, đồng thời là nền tảng để dịch vụ phát triển trong tương lai.

Hoàng Giang