Ngày 14/11, trong buổi làm chứng liên quan đến vụ kiện giữa Google và Epic Games về vấn đề độc quyền trên Google Play, nhà sản xuất game đứng sau trò chơi Fortnite, một nhân chứng đề cập con số 36% doanh thu từ tìm kiếm thông qua Safari mà Apple được hưởng.

Luật sư của Epic Games hỏi Pichai điều này có chính xác không. CEO Google đáp: “Đúng vậy!”.


CEO Alphabet Sundar Pichai. Ảnh: Reuters

CEO Alphabet Sundar Pichai. Ảnh: Reuters

Luật sư tiếp tục hỏi Pichai tại sao hãng trả cho Samsung, đối tác phần cứng lớn nhất về Android, số tiền chưa bằng một nửa so với cho Apple. CEO Google nói ông không nắm rõ một cách chắc chắn, nhưng điều này “có thể” xảy ra.

“Nó giống như việc vận chuyển táo với cam vậy”, Pichai nói. “Với các giao dịch, đôi khi bạn phải trả tiền khác nhau cho các hãng vận chuyển”.

Đại diện pháp luật của Epic Games sau đó hỏi Pichai về số tiền chính xác mà họ trả cho Apple. Pichai nói “hơn 10 tỷ USD”. Luật sư cho rằng ông trả lời không chính xác, con số thực tế phải là 18 tỷ USD.

Google, Samsung và Apple không đưa ra bình luận.

Alphabet hiện đối mặt với nhiều cuộc chiến pháp lý liên quan đến hành vi độc quyền công cụ tìm kiếm và kho ứng dụng. Hai vụ kiện với Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) và Epic Games đang diễn ra đồng thời. Hồi tháng 9, trong phiên tòa liên quan đến vụ kiện do Bộ Tư pháp Mỹ là nguyên đơn, các công tố viên cho biết Google nắm 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến. Ưu thế đó có được một phần nhờ Google bắt tay với Apple trong thương vụ đã kéo dài 18 năm.

Một số nguồn tin cho biết Google chi 9,5 tỷ USD vào năm 2018, 11 tỷ USD năm 2020 và 15 tỷ USD năm 2021 để là công cụ tìm kiếm mặc định trên sản phẩm của Apple. Còn theo thống kê mới nhất được DOJ đưa ra hồi tháng 10, con số này là 18-20 tỷ USD.

Theo Washington Post, nếu Google bị chứng minh vi phạm pháp luật trong vụ kiện với DOJ, tòa án có quyền ra lệnh thay đổi điều khoản hoặc hủy bỏ hợp đồng của công ty với Apple. Hiện Liên minh châu Âu cũng đề nghị các thiết bị phải cài đặt “giao diện lựa chọn” ngay từ đầu để người dùng truy cập những công cụ tìm kiếm ngoài Google.

Bảo Lâm (theo CNBC)