Ngày 21/9, lãnh đạo cấp cao của Apple đã có mặt trong phiên tòa liên quan đến vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đối với Google. Washington Post cho biết đây là vụ chống độc quyền lớn nhất nhắm vào một công ty công nghệ sau hơn hai thập kỷ. Còn theo luật sư Kenneth Dintzer của DOJ, kết quả của vụ kiện có thể ảnh hưởng đến tương lai của Internet.

Các công tố viên cho biết Google đang nắm 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến. Ưu thế đó có được một phần nhờ Google bắt tay với Apple trong thương vụ đã kéo dài 18 năm. Mỗi năm, Apple nhận về 19 tỷ USD để hiển thị mặc định công cụ tìm kiếm của đối tác trên iPhone, MacBook và các sản phẩm khác của mình. Hai bên cố gắng giữ bí mật trước công chúng và chỉ nhắc tới thỏa thuận trong các kênh liên lạc nội bộ.

“Chúng ta sẽ hoạt động như thể một công ty”, DOJ trích email do một nhân viên cấp cao của Apple gửi đến Google. Thỏa thuận biến sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai ông lớn trở thành quan hệ hợp tác, giúp Google duy trì thế độc quyền.


Sundar Pichai, 51 tuổi, CEO công ty Alphabet. Ảnh: AP

Sundar Pichai, 51 tuổi, CEO công ty Alphabet. Ảnh: AP

Google và Apple nói gì?

Trong bài đăng trên blog trước khi phiên tòa diễn ra, Kent Walker, Chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Google, nói vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ có “sai lầm nghiêm trọng” và thỏa thuận với Apple không hề ngăn người dùng sử dụng các công cụ tìm kiếm khác.

“Mọi người không tìm đến Google vì bị bắt phải làm vậy, họ dùng vì họ muốn”, ông nói. Ông khẳng định thị trường vẫn còn lựa chọn như Bing của Microsoft hay Amazon. Việc hãng nắm vị trí dẫn đầu là do khả năng cải tiến sản phẩm và xây dựng thói quen cho người dùng.

Trả lời luật sư Dintzer tại phiên tòa, John Giannandrea, Phó chủ tịch phụ trách mảng AI của Apple, thừa nhận hãng thu về hàng tỷ USD thông qua thỏa thuận với Google. Trong các phiên tòa tiếp theo, các công tố viên dự kiến chất vấn Giannandrea để tìm thêm bằng chứng cho thấy Google dùng thế độc quyền tạo sức ép lên Apple trong các điều khoản hợp đồng.

Hiện Apple đã cung cấp cho DOJ hơn 125.000 tài liệu và hơn 21,5 giờ lời khai từ các nhà điều hành, trong đó có “các cuộc thảo luận thương mại nội bộ nhạy cảm nhất”.

“Google đang trả hàng tỷ USD cho Apple để sở hữu đặc quyền mà các đối thủ đều muốn có”, Rebecca Haw Allensworth, giáo sư luật của Đại học Vanderbilt, nói. Còn theo Washington Post, việc độc quyền không bất hợp pháp, nhưng lạm dụng ưu thế độc quyền nhằm dập tắt sự cạnh tranh là vi phạm pháp luật.

Điều gì sẽ xảy ra với Google?

Bất chấp sự giải thích của Google, luật sư Dintzer vẫn cho rằng Apple đã bị đối tác gây sức ép khi ký thỏa thuận. Ông cũng công bố email của Jeff Shardell, cựu CEO Google, kể về cuộc gặp với đại diện Apple. Trong đó, Shardell yêu cầu hãng điện thoại giữ thiết lập mặc định đối với công cụ tìm kiếm của Google để nhận chia sẻ doanh thu trên Safari và Windows.

“Đó không phải một cuộc đàm phán, mà là lời nói của riêng Google”, ông đánh giá.

Nếu Google bị chứng minh vi phạm pháp luật, thẩm phán Amit Mehta có quyền ra lệnh thay đổi điều khoản hoặc hủy bỏ hợp đồng của công ty với Apple. Hiện Liên minh châu Âu cũng đề nghị các thiết bị phải cài đặt “giao diện lựa chọn” ngay từ đầu để người dùng truy cập những công cụ tìm kiếm ngoài Google.

Bộ Tư pháp Mỹ sẽ có thời gian đến giữa tháng 10 để tìm kiếm bằng chứng và trình bày quan điểm trước tòa. Các công ty sẽ cung cấp lời khai đến hết tháng 11. Sau đó, hai bên sẽ gửi lập luận và đề xuất của mình lên thẩm phán.

Hoàng Giang