SCMP cho biết tổng giá trị máy in thạch bản được Trung Quốc nhập khẩu từ Hà Lan trong tháng 11 tăng 1.050% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, 16 máy gia công chip này đạt tổng trị giá 762,7 triệu USD, cao hơn mức 672,5 triệu USD của 21 máy nhập trong tháng 10. Mức chênh lệch trung bình 46% trên mỗi máy cho thấy Trung Quốc tiếp tục nhận được những hệ thống hiện đại hơn từ đối tác.
Đơn vị cung cấp tại Hà Lan không được đề cập. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số máy này khả năng cao thuộc về ASML, công ty sản xuất thiết bị gia công chip hàng đầu thế giới. Cũng trong tháng trước, Trung Quốc mua thêm 15 máy in thạch bản từ Nhật Bản, nâng số máy nhập khẩu lên 42, với tổng giá trị đạt 816,8 triệu USD.
Máy in thạch bản là thiết bị đắt đỏ, cấu tạo phức tạp và đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất chip. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư lượng lớn tiền để tự phát triển thiết bị loại này, nhưng chưa tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh với Hà Lan và Nhật Bản.
Từ tháng 1, theo yêu cầu của Mỹ, một số nước đã triển khai biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tới Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng giá trị đơn hàng tăng bất thường vào tháng 11 do đây là các đơn hàng tồn đọng và được vội vã vận chuyển nhằm tránh các quy định mới của Mỹ. Thực tế, quá trình giao hàng tốn khoảng 18 tháng, nên nhiều thiết bị xuất xưởng vào tháng 11 nhưng thực tế đã hoàn tất giấy phép từ cuối 2022 hoặc đầu 2023.
Trung Quốc cũng được cho là nhập khẩu lượng lớn hệ thống in thạch bản DUV. Theo Bloomberg, mẫu Twinscan NXT:2000i sử dụng công nghệ quang khắc cực tím (EUV) dùng cho các tiến trình 7 nm và 5 nm, nên không được bán sang quốc gia tỷ dân trừ khi có giấy phép. Do đó, Trung Quốc phải nhập các mẫu như Twinscan NXT:1980i hay Twinscan NXT:1980Di, dùng công nghệ in thạch bản nhúng (DUV) cũ hơn như giải pháp thay thế.
Hoàng Giang