Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023) diễn ra trong hai ngày 21-22/9, cập nhật các xu hướng trí tuệ nhân tạo toàn cầu cũng như bức tranh toàn cảnh tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình có CTO Summit 2023 với điểm mới là vinh danh các công ty có môi trường công nghệ tốt tại Việt Nam.
FPT là một trong sáu đơn vị được vinh danh, nhóm công ty công nghệ có môi trường công nghệ tốt nhất. Môi trường công nghệ đánh giá dựa trên bốn yếu tố cốt lõi. Đầu tiên là hạ tầng công nghệ hiện đại như máy tính, mạng, phần cứng và phần mềm tiên tiến để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa hiệu suất làm việc. Thứ hai là văn hóa công nghệ, đề cao công ty thúc đẩy tinh thần đổi mới và sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm, áp dụng ý tưởng công nghệ mới. Tiếp đến là đào tạo về kỹ năng công nghệ và ý thức về bảo mật cho nhân viên trong xu hướng chuyển đổi số. Cuối cùng đề cập đến sự hỗ trợ công nghệ, triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến: check-in, phần mềm quản lý và các trang thiết bị hiện đại.
Trải qua hai tháng mở cổng nhận hồ sơ, chương trình thu hút hơn 50 đề cử là các công ty trên nhiều lĩnh vực, quy mô từ startup đến tập đoàn lớn.
Tại AI4VN, FPT còn có chuyên gia các công ty thành viên, mang đến nhiều tham luận nhằm thúc đẩy hệ sinh thái AI, triển lãm tại AI Expo.
Ở ngày đầu tiên, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud là một trong sáu diễn giả cùng bàn luận về chủ đề “Trí tuệ nhân tạo: Đổi mới sáng tạo và sự bất định”, trong khuôn khổ workshop “Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm”.
Ông Việt cho biết, thực tế Việt Nam chưa có khung chương trình, định nghĩa và chiến lược cụ thể về sử dụng AI có trách nhiệm. Tuy vậy các doanh nghiệp bước đầu đã chủ động tuân thủ giá trị cốt lõi nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ.
Với vai trò doanh nghiệp trực tiếp tạo ra sản phẩm AI, ông cho biết “use case” (trường hợp sử dụng) rất quan trọng, hướng tới lợi ích cho người dùng cuối. Để tạo sản phẩm AI tốt nhất, bài toán đặt ra là khách hàng có mức trưởng thành công nghệ thấp hay cao vẫn có thể tiếp cận AI dễ dàng, dễ sử dụng nhất. Doanh nghiệp cũng có thể cải thiện thông qua trải nghiệm khách hàng nhằm đảm bảo tính bao trùm và độ chính xác, trong khi người sử dụng chia sẻ – kết nối dữ liệu thực tế.
Ông Lê Hồng Việt là một trong những người đặt nền móng cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ mới, giúp FPT chinh phục thị trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực. Hiện ông chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển và nâng cao năng lực AI cũng như điện toán đám mây tại FPT.
Diễn giả thứ hai đến từ công ty thành viên của tập đoàn là ông Dương Lê Minh Đức – Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh FPT.AI tại FPT Smart Cloud. Ông có bài tham luận mở đầu CTO Summit 2023 với chủ đề “Ứng dụng AI gia tăng tính minh bạch trong ngành bảo hiểm”, diễn ra từ 14h ngày 22/9.
Trước khi nói về sản phẩm, ông Đức cho biết FPT Smart Cloud đã có gần 8 năm phát triển các sản phẩm AI và có 4 năm xây dựng AI trong ngành tài chính, bảo hiểm. Từ kinh nghiệm thực tế, ông nhận thấy AI có thể tăng độ chính xác trong khâu tư vấn, giám sát quá trình làm việc với khách hàng, tăng chất lượng dịch vụ.
Liệt kê các giải pháp, đầu tiên, ông Đức đề cập Virtual Insurance KYC. Giải pháp này có thể xác định người mua cuối là ai, có phải nhân viên tự mua để tăng doanh số không. Ông Đức mô phỏng quá trình hoạt động của KYC trên sân khấu. Trong đó, nền tảng này giám sát tư vấn viên trong quá trình tư vấn cho khách thông qua video, hỗ trợ người bán hàng tư vấn các quyền lợi cho khách, ký hợp đồng điện tử.
Giải pháp thứ hai là giám sát tổng đài FPT AIEnhance. Giải pháp này nghe toàn bộ các cuộc gọi giữa người bán, tư vấn viên và người mua, sau đó tiến hành đánh giá, đưa ra những cảnh báo trong trường hợp cuộc gọi có vấn đề, đề xuất lên hệ thống cuộc gọi đạt chuẩn. Người bán, doanh nghiệp bảo hiểm có thể kiểm soát hoàn toàn các cuộc gọi. Công nghệ này cũng có công cụ để giúp người bán tăng hiệu quả công việc tư vấn, bán hàng.
Nền tảng cuối cùng trong bài tham luận là giải pháp đào tạo cho nhân viên. Theo ông, trước đây các doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo nhân viên bằng các video, nhưng thiếu tính cá nhân hóa. Sau ba năm, FPT Smart Cloud xây dựng bộ kiến thức ngành để tạo ra sản phẩm tư vấn cá nhân hóa. Hệ thống này đào tạo nhân viên bằng cách đặt câu hỏi cho tư vấn viên hàng ngày. Sau ba ngày, hệ thống thu thập thông tin, hiểu rõ kỹ năng của tư vấn viên đó, từ đó đưa ra những câu hỏi với tính cá nhân hóa tối đa, nâng cao nghiệp vụ nhân sự. Tỷ lệ hoàn thành bài thi, điểm số, đánh giá nhân sự được báo cáo về cho nhà quản lý.
“Tất cả các giải pháp của FPT Smart Cloud đều được lưu trữ trên Cloud, hỗ trợ khách hàng lưu trữ, đảm bảo an toàn”, ông Đức khẳng định.
Hiện nay, các giải pháp của FPT.AI như Hội thoại thông minh đa ngôn ngữ (Chatbot), Trợ lý ảo tổng đài tiếng Việt (Voicebot), Nhận diện và trích xuất thông tin từ ảnh chụp tự động (OCR), Định danh khách hàng trực tuyến (eKYC)… đang ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới. Trong số các khách hàng, gần 40 doanh nghiệp nằm trong Top 100 các đơn vị lớn nhất Việt Nam, phục vụ hơn 12 triệu người dùng cuối.
Ngoài các phiên tham luận, các công ty thành viên của FPT còn trưng bày nhiều giải pháp ứng dụng AI. Gian hàng FPT Play được Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghé thăm, trải nghiệm camera ứng dụng AI trong giám sát gia đình lẫn địa phương. Khu FPT.AI cũng hút hàng trăm lượt đến trải nghiệm các giải pháp tổng đài ảo, chatbot thông minh.
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023) diễn ra tại Riverside Palace, 360D Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM. Chương trình gồm 4 hoạt động chính: AI Summit, AI Workshop, AI Expo và CTO Summit 2023 – vinh danh công ty có môi trường công nghệ tốt nhất tại Việt Nam.
Minh Tú