Trong cuốn tiểu sử Elon Musk do Walter Isaacson chấp bút, câu chuyện về “cuộc đảo chính” tại PayPal năm 2000 được hé lộ. Khi đó, Musk vừa sáp nhập dịch vụ tài chính trực tuyến X.com vào công ty mẹ của PayPal và nắm quyền điều hành nền tảng thanh toán này.
Tuy nhiên, việc Musk điều hành PayPal khiến một nhóm lãnh đạo ở đây hài lòng. Họ được gọi là “PayPal Mafia”, gồm những nhân vật cộm cán như nhà đầu tư Peter Thiel, nhà đồng sáng lập PayPal Max Levchin, thành viên hội đồng quản trị Reid Hoffman và COO kiêm lãnh đạo sản phẩm David Sacks.
Musk có nhiều quan điểm bất đồng với nhóm về chiến lược và thương hiệu. Phong cách lãnh đạo và quản lý chuyên quyền của ông cũng khiến các thành viên ban quản trị không ưa. “PayPal Mafia” sau đó dàn dựng kế hoạch sa thải Musk. Họ đợi ông đi nghỉ tuần trăng mật tại Australia với người vợ đầu Justine Wilson, sau đó thông báo cho ông nghỉ việc.
“Lúc đầu, tôi khá tức giận”, Musk kể với Isaacson. “Có lúc, suy nghĩ sẽ ám sát bọn họ chạy qua đầu mình”.
Nhưng cuối cùng, Musk nhận ra việc bị sa thải lại tốt cho ông. “Nếu không, có lẽ tôi vẫn làm nô lệ cho PayPal”, tỷ phú gốc Nam Phi nói. “Tất nhiên, nếu tôi ở lại, PayPal giờ sẽ là công ty nghìn tỷ USD”.
Dù rời đi, Musk vẫn giữ cổ phần lớn trong công ty, giúp ông được lợi khi eBay thâu tóm PayPal năm 2002 với giá 1,5 tỷ USD. Musk nhận hơn 250 triệu USD sau thương vụ.
Ông sau đó vẫn giữ quan hệ tốt với những người đã cố loại bỏ ông. “Cuộc đời quá ngắn ngủi”, Musk nói với Levchin vài tháng sau khi PayPal về eBay. “Tiếp tục thôi nào”.
Sau khi thành lập SpaceX với đội ngũ nhân sự hàng đầu nhwTom Mueller, Hans Koenigsmann và Gwynne Shotwell năm 2002, ông lập tức lấy số tiền có được từ PayPal để đầu tư. Dù vậy, sau ba lần phóng thử nghiệm tên lửa Falcon 1 lên quỹ đạo thất bại, công ty cạn tiền.
Năm 2008, SpaceX đứng trên bờ vực phá sản. Để ngăn thảm họa, công ty cần phóng Falcon 1 lần thứ tư, nhưng Musk không đủ tiền. Nhờ mối quan hệ của mình, ông liên hệ với các thành viên cũ của PayPal, gồm Thiel, Ken Howery và Luke Nosek – nhóm đang lập một quỹ đầu tư mạo hiểm có tên Founders Fund. Quỹ này sau đó ra tay giải cứu SpaceX với khoản tiền 20 triệu USD.
“Một phần hành động của tôi là nhằm hàn gắn mọi thứ đã đổ vỡ ở PayPal”, Thiel giải thích với Isaacson về quyết định đầu tư.
Ngày 28/9/2008, SpaceX thực hiện lần phóng thành công đầu tiên của Falcon 1. “Lần thứ tư là cơ duyên”, Musk thốt lên khi đó.
Tháng 12 cùng năm, SpaceX được NASA trao hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD. Công ty nhận nhiệm vụ thực hiện 12 chuyến khứ hồi tới Trạm vũ trụ quốc tế.
Theo Isaacson, cách “biến thù thành bạn” của Musk đã mở đường cho việc cứu công ty tên lửa của ông. “Sau khi tôi bị loại khỏi PayPal, tâm trạng thật tệ. Tôi có thể đã nói: ‘Các ông tệ lắm’. Nhưng tôi đã không làm thế”, Musk nói. “Nếu làm vậy, Founders Fund sẽ không ra đời và SpaceX có thể đã chết từ năm 2008”.
“Tôi không thích chiêm tinh hay những thứ tương tự. Nhưng luật nhân quả có thể có thật”, ông nói thêm.
Bảo Lâm (theo NYPost)