“Với rủi ro và sức mạnh của AI tiên tiến, công chúng cần biết tại sao ban quản trị cảm thấy họ phải hành động quyết liệt như thế”, ông viết ngày 20/11.
Ý kiến được Musk đưa ra kèm bài đăng của doanh nhân David Sacks. Người này cho rằng OpenAI nên “ngừng mọi trò tai quái”, bằng cách chuyển đổi tổ chức phi lợi nhuận của mình thành một đơn vị khác, đồng thời nên trả cổ phần cho Musk do ông đã đầu tư 40 triệu USD đầu tiên vào đây. “Sam Altman nên trở lại công việc của mình. Hội đồng quản trị cần được thay thế bằng những người sáng lập và nhà đầu tư có kinh nghiệm”, người này nói.
Trước đó, OpenAI thông báo Altman sẽ rời vị trí do “hội đồng quản trị không còn tin tưởng khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI” của ông. “Sau một quá trình xem xét có chủ ý, trong đó kết luận ông không nhất quán và thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình”, thông báo nêu.
Musk là một trong những người đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 cùng Sam Altman và một số chuyên gia khác với mong muốn xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận về trí tuệ nhân tạo, nhằm chuẩn bị và chống lại sự đe dọa của AI với nhân loại.
Ông sau đó rời công ty năm 2018 với lý do “xung đột lợi ích với Tesla”. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được cho là Musk từng muốn giữ vai trò điều hành OpenAI, nhưng vị trí này thuộc về Sam Altman.
Tỷ phú công nghệ gốc Nam Phi cũng nhiều lần cảnh báo về các mối đe dọa AI có thể mang lại, trong đó có việc chúng có thể phát triển đến mức không thể kiểm soát, hay sẽ chiếm việc của con người. Khi ChatGPT của OpenAI ra mắt và gây sốt toàn cầu vào cuối 2022, Musk chỉ trích công ty này cũng như CEO khi đó vì đi ngược lại mục đích ban đầu. Mới đây, công ty xAI do Musk sáng lập cũng ra mắt một AI tạo sinh có tên Grok, sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn được cho là tiên tiến hơn GPT-3.5 của ChatGPT, và đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Quan điểm của Musk được cho là theo hướng đồng tình với ban quản trị của OpenAI hiện tại. Trang The Infomartion dẫn nguồn tin từ cuộc họp nội bộ của công ty cho biết, nguồn cơn của việc phế truất CEO là do xung đột trong quan điểm phát triển, khi Altman liên tục thúc đẩy các sản phẩm ra thương mại hóa và đi gọi vốn hàng chục tỷ USD, trong khi một số nhà khoa học trong ban quản trị muốn giữ hướng đi ban đầu của dự án.
“Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh của một tổ chức phi lợi nhuận, đó là đảm bảo OpenAI xây dựng AI tổng quát (AGI) có lợi cho toàn nhân loại”, Ilya Sutskever, nhà khoa học trưởng, được cho là đóng vai trò chính trong quyết định sa thải Sam Altman, nói.
Lưu Quý