Năm 2018, Apple cập nhật iOS 11.3, bổ sung tính năng kiểm tra mức độ “chai” pin trên thiết bị. Khi truy cập Cài đặt > Pin > Tình trạng pin, người dùng có thể biết tỷ lệ dung lượng tối đa còn lại. Khác với phần trăm dung lượng pin hiển thị trên màn hình chính, tình trạng pin thể hiện “sức khỏe” của viên pin và chỉ số này sẽ giảm dần trong quá trình sử dụng. Apple khuyến cáo thay pin khi chỉ số xuống dưới 80%.

Sau khi Apple triển khai, nhiều người có thói quen liên tục kiểm tra tình trạng pin, coi đây là tiêu chí phân biệt giữa iPhone cũ và mới. Theo các chuyên gia, chính tâm lý này biến người dùng thành “con mồi” cho một số đơn vị chuyên thanh lý điện thoại cũ, chất lượng thấp với giá cao.

“Nếu không dùng thử hoặc ‘mổ’ máy, thợ lâu năm cũng không thể nhận ra một chiếc iPhone đã bị kích pin và làm giả số lần sạc”, ông Đoàn Văn Cường, chủ cửa hàng sửa điện thoại tại Thanh Xuân (Hà Nội), nói.

Mỗi khi Apple công bố điện thoại thế hệ mới, thị trường iPhone cũ lại trở nên sôi động vì nhiều người bán máy để lên đời, trong khi số khác lại coi đây là cơ hội sở hữu iPhone với giá rẻ. Để lừa người dùng, một số cửa hàng sẽ kích những viên pin “chai”, lắp lại vào máy, sau đó quảng cáo “iPhone dùng ít, pin 99%”.


Một trong những thiết bị kích pin, làm giả số lần sạc iPhone. Ảnh: Mai Tùng

Một trong những thiết bị kích pin, làm giả số lần sạc iPhone. Ảnh: Mai Tùng

Theo ông Cường, việc kích pin chỉ tạo thông số ảo trên điện thoại, không tăng dung lượng thực. Trong quá trình sử dụng, người dùng sẽ nhận thấy máy không hoạt động tốt như quảng cáo, trong khi bên bán “có thể lãi hàng triệu đồng”.

Ông Mai Tùng, đại diện hệ thống Hoàng Kiên Mobile, cho biết cơ chế đồng bộ pin chính hãng với thiết bị của Apple cũng góp phần làm tăng tình trạng kích pin trên thị trường. Hiện nhiều dòng iPhone đã bị “khai tử”, khiến người dùng thiếu pin chính hãng thay thế. Trong khi đó, nếu sử dụng pin của thương hiệu thứ ba, máy sẽ thông báo “linh kiện không xác định” và không hiển thị tình trạng pin.

“iPhone nhận diện pin chính hãng thông qua một IC gắn ở phần cổ cáp viên pin. Linh kiện từ các thương hiệu khác không có loại IC này, do đó không thể đồng bộ với máy”, ông nói.

Hiện thị trường có hai loại pin phổ biến cho iPhone là pin chính hãng và pin linh kiện (pin từ thương hiệu thứ ba, không liên kết với Apple). Trong nhiều trường hợp, thợ có sẵn pin linh kiện với giá tốt, chất lượng ổn định, nhưng người dùng không đồng ý thay do lo ngại máy mất tính năng hiển thị tình trạng pin. Vì vậy, một số thợ chọn cách “sàng cổ cáp”, biến pin linh kiện thành pin chính hãng, sau đó mới tiến hành kích pin và bán cho người dùng.

“Sàng cổ cáp” là thủ thuật tháo phần cổ cáp của pin chính hãng cũ lắp sang pin linh kiện mới. Viên pin mới có IC nguyên bản nên được iPhone chấp nhận, nhưng hiển thị dung lượng ở mức thấp do chứa thông tin cũ. Sau khi kích bằng thiết bị chuyên dụng, tình trạng pin phục hồi về 100%, số lần sạc cũng giảm về không và sẵn sàng tung ra thị trường.


Phần cổ cáp của pin iPhone, nơi chứa vi mạch giúp máy xác định pin chính hãng. Ảnh: Mai Tú

Phần cổ cáp của pin iPhone, nơi chứa IC giúp máy xác định pin chính hãng. Ảnh: Mai Tùng

Ông Tùng cho biết việc kích pin xuất hiện ở hầu hết dòng iPhone. Phiên bản 14 series mới ra mắt một năm nên tỷ lệ ít hơn. Những đời cũ như iPhone 7 Plus, 8 Plus, X, Xs, XS Max có thể kích pin đơn thuần bằng máy. Từ thế hệ iPhone 11 đến 13 series, thợ cần gắn thêm hai điện cực nhỏ vào đầu pin để điều chỉnh, giúp thông số sau khi can thiệp giữ ở mức cao được lâu hơn.

Theo Hoàng Minh, một thợ sửa điện thoại lâu năm, người dùng iPhone có thể vô tình tiếp tay cho tình trạng kích pin. Một số người quá quan tâm đến độ “chai” pin, trong khi người sở hữu điện thoại Android vẫn sử dụng máy bình thường mà không để ý chỉ số này.

Hoàng Giang