Tại sự kiện của tạp chí Harvard Business Review cuối tuần qua, ông Huang cho rằng không một công ty nào có thể bảo đảm chắc chắn khả năng sinh tồn trên thị trường.

“Chúng tôi xây dựng công ty từ con số không và từng nhiều lần suýt phải bỏ ngành công nghệ. Chúng tôi không cần giả vờ rằng công ty trong trạng thái nguy hiểm. Nvidia luôn trong tình trạng nguy hiểm và ban lãnh đạo có thể cảm nhận điều đó”, ông nói.

Dù vậy, ông nhấn mạnh các lãnh đạo không quá căng thẳng vì điều đó. “Tôi nghĩ công ty trong trạng thái giữa khát vọng và tuyệt vọng sẽ tốt hơn nhiều so với những doanh nghiệp luôn tỏ ra quá lạc quan hoặc quá bi quan”, ông cho hay.

Nhà sản xuất chip đồ họa lớn nhất thế giới đang đóng vai trò then chốt trong đợt bùng nổ công nghệ AI và giúp hồi sinh Thung lũng Silicon. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu đang cạnh tranh để mua những mẫu chip AI đắt tiền do Nvidia sản xuất. Công ty hiện có giá trị thị trường 1.100 tỷ USD, nằm trong số ít doanh nghiệp công nghệ trị giá trên nghìn tỷ USD.


Jensen Huang phát biểu tại hội chợ Computex hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Jensen Huang phát biểu tại hội chợ Computex hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Trong hơn 30 năm hoạt động, Nvidia nhiều lần đứng trước ranh giới sống còn, khiến CEO Huang thừa nhận “người bình thường sẽ không thành lập doanh nghiệp như vậy”. Công ty đối mặt nguy cơ phá sản năm 1995 sau khi mẫu chip đầu tiên NV1 không thu hút khách hàng. Hãng phải sa thải một nửa nhân lực trước khi đạt thành công với mẫu chip thứ ba là Riva 128 sau đó vài năm.

Một trong những thách thức Nvidia đang phải đương đầu là Mỹ siết chặt quy định xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Những lệnh cấm mới có thể khiến hãng mất hàng tỷ USD vì phải hủy đơn hàng cho các công ty Trung Quốc.

“Hạn chế hiện tại áp dụng với năng lực và hiệu năng của chip, không phải lệnh cấm toàn diện. Điều đầu tiên là chúng tôi cần tuân thủ quy định và tìm hiểu giới hạn của nó, cũng như đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất trong khả năng và vẫn duy trì sức cạnh tranh”, ông cho hay.

Tuy nhiên, những dòng chip cắt giảm tính năng sẽ khiến Nvidia mất ưu thế công nghệ và phải cạnh tranh với những sản phẩm tương đồng tại thị trường nội địa Trung Quốc. “Các đối thủ tiến bộ rất nhanh. Giống mọi ngành nghề khác, cần phải luôn duy trì cảnh giác và làm tốt nhất có thể”, CEO Nvidia thừa nhận.

Huang thường đọc sách kinh doanh của Andrew Grove, cựu CEO Intel, cho rằng đó là những tài liệu “rất tốt” và đề cao cuốn Only the Paranoid Survive (Chỉ người hoang tưởng mới có thể sinh tồn). “Các lãnh đạo chỉ tự dối bản thân nếu không nghĩ doanh nghiệp của mình luôn trong trạng thái nguy hiểm”, ông cho hay.

Điệp Anh (Theo Fortune)