Theo SCMP, ByteDance cũng tham gia vào cuộc đua AI tạo sinh khi chuẩn bị tung ra sản phẩm chatbot “cá nhân hóa” giống ChatGPT của OpenAI. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng một công cụ hỗ trợ người dùng tạo ảnh bằng văn bản giống Midjourney và Stable Diffusion. Bản thử nghiệm dự kiến được triển khai cuối tháng này và có thể tích hợp vào sản phẩm hiện có của ByteDance.

Logo TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại được chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh:Reuters

Logo TikTok trên màn hình điện thoại. Ảnh:Reuters

Đầu tháng 11, OpenAI giới thiệu công cụ cho phép cá nhân hóa AI, gọi là GPT, trong đó người dùng có thể tạo phiên bản ChatGPT tùy chỉnh cho tác vụ chuyên biệt như dạy học, thiết kế đồ họa, giao tiếp khách hàng, sáng tạo nội dung. Công ty ban đầu định mở cửa hàng ứng dụng GPT Store cuối tháng 11 để người dùng chia sẻ công cụ GPT, nhưng đã hoãn đến đầu 2024, sau vụ sa thải CEO.

Trong khi đó, ByteDance chuyển hướng sang công nghệ AI sau khi sản phẩm thành công nhất của họ là Tiktok bị cấm hoặc hạn chế ở một số quốc gia do lo ngại về gây tác động xấu tới giới trẻ. Họ cũng đã công bố chatbot riêng Doubao hồi tháng 8 sau khi được cơ quan quản lý Trung Quốc – nơi có quy định nghiêm ngặt về phát triển AI – chấp thuận. Tuy nhiên, công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ Mỹ mà còn từ các công ty khác của Trung Quốc như Baidu, Alibaba.


Huy Đức