Hai phiên chuyên đề chiều 11/12 tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tổ chức tại Hạ Long thu hút sự tham gia, thảo luận từ hàng trăm chuyên gia, nhà nghiên cứu về hai chủ đề: ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống và phát triển vi mạch, bán dẫn gắn với công nghiệp điện tử.
Ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt cuộc sống
Trong chuyên đề đầu tiên, 5 chuyên gia đến từ các tập đoàn, công ty công nghệ lớn tại Việt Nam chia sẻ bức tranh tổng quan ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Trong bài tham luận đầu tiên, ông Vũ Hồng Chiên, đại diện FPT chỉ ra ba thách thức trong việc áp dụng AI để thay đổi mô hình kinh doanh từ truyền thông sang linh hoạt.
Khó khăn đầu tiên là chất lượng dữ liệu. Để AI hoạt động hiệu quả, dữ liệu phải được xử lý và duy trì chất lượng cao nhưng để làm được điều này không dễ, nhất là khi liên quan quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về công nghệ số cho doanh nghiệp cũng vấp phải những khó khăn nhất định. “Doanh nghiệp chỉ có thể chuyển đổi khi ý thức khi nhìn thấy những lợi ích hữu hình như giảm chi phí, tăng doanh thu”, ông Chiên nói.
Khó khăn khác được ông Chiên liệt kê gồm an toàn bảo mật, lao động xã hội và cuối cùng là việc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Mô hình kinh doanh cần thay đổi nhanh chóng để đáp ứng sự dịch chuyển của công nghệ. Từ các khó khăn đó, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ các câu chuyện, ví dụ điển hình trong việc áp dụng công nghệ số vào cuộc sống.
Tiếp nối chương trình, ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI – Tập đoàn Công nghệ CMC, chia sẻ cách thức áp dụng AI trong việc rà soát, tránh trùng lặp chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật thông qua giải pháp CMC Legislation Document System.
Giải pháp ứng dụng Big Data, AI hỗ trợ cán bộ ngành tư pháp xây dựng, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, sản phẩm cho phép tìm kiếm tương đồng, phát hiện ra các mâu thuẫn, chồng chéo, vi phạm pháp luật giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, ông Lại Hữu Thanh – Giám đốc Sản phẩm Công ty Cổ phần Công nghệ – Viễn thông Elcom giới thiệu giải pháp tự động kiểm soát tải trọng xe. Cách đây 10 năm trước, Elcom đã nghiên cứu, phát triển lĩnh vực AI giúp thu phí tự động không dừng ETC, cân tự động, giám sát ITS trên cao tốc, hệ thống E-Wim phát hiện sai phạm, chụp biển số trước, sau… Hiện hệ thống giúp xử lý tự động hoàn toàn 24/7, tạo thay đổi mang tính đột phá cho công tác kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải đến năm 2030.
Tiếp theo, ông Trần Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần tương lai NextX chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nền tảng IoT phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ các công nghệ được cá nhân hoá cho từng tệp khách hàng, NextX Farm hiện phục vụ 1.200 người dùng, triển khai ở hơn 30 tỉnh thành và tại 3 quốc gia. Hệ thống này có khả năng điều khiển tự động cho chăn nuôi; quan trắc, thu thập dữ liệu và cảnh báo… Bên cạnh đó, đây cũng là nền tảng dữ liệu nông học cây trồng, chăn nuôi.
Sau loạt bài tham luận, các diễn giả sẽ tiếp tục tham gia phiên thảo luận do ông Vũ Hồng Chiên chủ trì. Phiên thảo luận cung cấp góc nhìn đa diện, có tính phản biện về việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Các chuyên gia nhận định, nếu không tận dụng thời gian để đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, Việt Nam có thể trở nên lạc hậu so với các quốc gia trên thế giới.
Phát triển công nghệ điện tử tạo đầu ra cho sản xuất vi mạch
Ngoài chủ đề ứng dụng công nghệ số, các diễn giả cũng chỉ ra cơ hội, thách thức đồng thời hiến kế phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam. Bức tranh về lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam gồm cả những gam màu sáng và tối đan xen. Trong đó, ông Bùi Duy Hiếu, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc chế tạo vi mạch rất tốn kèm, công nghệ vi mạch phức tạp, đòi hỏi độ bảo mật cao.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Khắc Huề – Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam nêubốn khó khăn trong phát triển vi mạch, bán dẫn. Đầu tiên, Việt Nam chưa có hệ sinh thái toàn diện cho vi mạch bán dẫn gồm các nhà cung cấp nội địa, các công ty thiết kế sản phẩm, các cơ sở đóng gói, testing, phân tích lỗi sai… Lực lượng lao động tại Việt Nam dồi dào, song thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn. Do đó, ngành công nghiệp này đang ở công đoạn gia công (cả ở công đoạn thiết kế và sản xuất), chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. “Sự thiếu hụt lực lượng nhân sự chuyên môn cao làm quá trình phát triển và mở rộng sẽ diễn ra chậm và khó khăn hơn”, ông Huề nói.
Một thách thức khác đến từ bên ngoài là sự cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia trong khu vực. Hiện, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… đều tập trung thu hút đầu tư để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Song, ở khía cạnh ngược lại, ông Huề nhận định Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển vi mạch, bán dẫn nhờ hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản. Những năm gần đây, cơ sở đào tạo cũng dành sự quan tâm nhất định cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Đồng thời các công ty tập đoàn lớn như Qorvo, Synopsis, Marvel, Renesas, Intel, Amkor, Hana Micron…. đang đặt trụ sở tại Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết phát triển cho các đối tác nội địa trong việc sáng tạo sản phẩm “Make in Vietnam”.
Nhờ những lợi thế này, nhiều chuyên gia trong đó có ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý khu Công nghệ TP HCM kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm lớn của thế giới về AI.
“Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quê hương thứ 2 của Nviadia là thị trường, tài nguyên con người và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp AI”, ông Thi nói.
Trong phiên thảo luận cuối chương trình, bốn chuyên gia chia sẻ cách tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm vi mạch, bán dẫn Việt Nam. Ông Huề cho rằng, để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, cần phát triển công nghiệp điện tử, làm đầu ra cho vi mạch bán dấn. Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Lancs Việt Nam mong muốn có cơ chế để kết nối doanh nghiệp Việt, tạo ra sức mạnh tổng thể.
VFTE 2023 kéo dài xuyên suốt ngày 11/12. Chương trình có hai phiên hội thảo, công bố và vinh danh 43 đơn vị tại Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023, triển lãm sản phẩm số nổi bật.