Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) hôm 26/10 tuyên bố Apple vi phạm luật thương mại Mỹ và đề nghị hạn chế và cấm nhập khẩu một số mẫu Apple Watch vào nước này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có 60 ngày để thay đổi quyết định, Apple cũng có quyền kháng cáo.
Phán quyết bắt nguồn từ năm 2021 khi công ty công nghệ y tế Masimo gửi đơn kiện đến USITC, cáo buộc Apple vi phạm bản quyền sáng chế liên quan đến công nghệ đo chỉ số oxy trong máu. Động thái diễn ra sau khi Apple trang bị cảm biến đo oxy mạch máu trong phần lớn mẫu Watch ra đời từ năm 2020.
Có nhiều phương án để Apple tránh lệnh cấm, như điều chỉnh phần mềm đồng hồ để không sử dụng công nghệ trên hoặc tìm cách dàn xếp với Masimo.
Quan hệ giữa Masimo và Apple bắt đầu từ 2013, khi hai bên nghiên cứu trở thành đối tác và Apple đề xuất phương án tích hợp công nghệ của Masimo vào sản phẩm của mình. Các cuộc thảo luận không đạt tiến triển nào sau đó.
Masimo nói lãnh đạo Apple từng xem xét phương án mua lại toàn bộ công ty và bổ nhiệm CEO Joe Kiani làm phó chủ tịch phụ trách công nghệ y tế của Apple, nhưng đã từ bỏ ý định với lý do “mua lại công ty quy mô như vậy không phù hợp”. Masimo vào thời gian diễn ra đàm phán đã trị giá hơn một tỷ USD. Thay vào đó, Apple tuyển mộ kỹ sư của Masimo và phát triển công nghệ tương tự.
Phát ngôn viên Apple nói Masimo là một trong nhiều công ty công nghệ y tế được hãng tiếp cận khi đó, nhấn mạnh hãng không hợp tác vì doanh nghiệp này tập trung vào ứng dụng y học hơn là người tiêu dùng.
Nhiều công ty cũng từng kiện phương thức hành động này của Apple những năm qua, cho rằng hãng công nghệ Mỹ thường đề xuất hợp tác với doanh nghiệp nhỏ để tìm hiểu sản phẩm của họ. Các cuộc thảo luận không dẫn tới thương vụ hợp tác hoặc mua lại nào, sau đó Apple lại tung ra sản phẩm hoặc tính năng tương tự.
AliveCor, công ty từng chế tạo phụ kiện đo điện tâm đồ cho Apple, nói hãng vi phạm bản quyền khi triển khai công nghệ kiểm tra sức khỏe trên Watch từ năm 2018 và cắt quyền truy cập sản phẩm từng được tích hợp vào dòng đồng hồ thông minh này.
AliveCor gửi đơn kiện lên USITC năm ngoái. Cơ quan này sau đó ra phán quyết chống lại Apple nhưng không dẫn tới hậu quả nào. Apple vô hiệu hóa bản quyền của AliveCor thông qua hệ thống kháng cáo của Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ. Điều đó khiến lệnh cấm của USITC không được thông qua, trong khi AliveCor đang kháng án và yêu cầu Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ thay đổi quyết định.
Điệp Anh (Theo Wall Street Journal)