Ngày 17/11 (sáng 18/11 giờ Hà Nội), giới công nghệ bất ngờ khi OpenAI thông báo sa thải CEO kiêm nhà đồng sáng lập Sam Altman. Chủ tịch công ty Greg Brockman, một trong những người thành lập OpenAI, cũng bị loại khỏi hội đồng quản trị. Ông sau đó tuyên bố từ chức. Ba chuyên gia hàng đầu, trong đó có giám đốc nghiên cứu Jakub Pachocki, được cho là cũng quyết định rời công ty sau khi thông tin về Altman được công bố.
Việc các lãnh đạo chủ chốt tại OpenAI bị loại theo cách trên được đánh giá là “không ngờ tới“. Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp vì lợi nhuận tồn tại dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận cho phép OpenAI làm điều này.
Sự khác thường trong cấu trúc OpenAI
OpenAI thành lập cuối 2015 và công bố đầu 2016, hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, hướng đến phát triển các mô hình AI mang lại lợi ích cho nhân loại. Tuy nhiên, cấu trúc công ty không được tiết lộ cho đến tháng 7 năm nay, khi các thành viên hội đồng quản trị gồm Reid Hoffman, Shivon Zilis và Will Hurd rời đi.
Theo thông tin trên website, ban đầu OpenAI dự định huy động tài trợ khoảng một tỷ USD cho tham vọng xây dựng AI tổng quát (AGI) trong khi vẫn giữ mô hình phi lợi nhuận. Tuy nhiên, vài năm sau khi ra đời, họ mới chỉ nhận được số tiền khoảng 130,5 triệu USD.
“Việc huy động được quá ít vốn không thể giúp OpenAI thu hút nhân tài cũng như đầu tư cho các mô hình để tăng sức mạnh tính toán và đây là điều nguy hiểm cho sứ mệnh của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nghĩ đến một cấu trúc mới, gồm một tổ chức phi lợi nhuận để theo đuổi tham vọng, nhưng cũng tạo một tổ chức vì lợi nhuận để thu hút vốn”, nội dung trên website có đoạn.
Theo đó, mô hình phi lợi nhuận của OpenAI sẽ “vẫn nguyên vẹn” và hội đồng quản trị tiếp tục là đầu não quản lý chung cho tất cả hoạt động. Một công ty con vì lợi nhuận mới sẽ được thành lập cho mục đích huy động nhân tài và nguồn vốn trên toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của bên phi lợi nhuận.
Cơ cấu vốn chủ sở hữu của bộ phận vì lợi nhuận sẽ có giới hạn nhằm hạn chế lợi nhuận tài chính tối đa cho các nhà đầu tư và nhân viên, nhưng vẫn có thể khuyến khích họ nghiên cứu, phát triển AGI cân bằng giữa tính thương mại với sự an toàn và bền vững. Tổ chức phi lợi nhuận sẽ quản lý và giám sát hoạt động đó thông qua hội đồng quản trị của mình.
Thành viên hội đồng quản trị vẫn độc lập theo đa số. Các giám đốc độc lập không nắm giữ cổ phần trong OpenAI, kể cả CEO. Lợi nhuận phân bổ cho các nhà đầu tư và nhân viên, trong đó có Microsoft, sẽ bị giới hạn. Microsoft không có ghế trong hội đồng quản trị và không có quyền kiểm soát. Tất cả giá trị vượt giới hạn đều sẽ được trả lại cho bên phi lợi nhuận để phục vụ lợi ích của nhân loại.
“Người hưởng lợi chính của tổ chức phi lợi nhuận là nhân loại, không phải các nhà đầu tư OpenAI”, website nêu.
Theo Business Insider, với cơ cấu này, OpenAI có thể sa thải bất cứ ai trong công ty, kể cả người nắm quyền cao nhất. Bộ phận giữ vai trò quan trọng nhất và có quyền quyết định là toàn bộ hội đồng phi lợi nhuận. Điều này thể hiện rõ qua cuộc lật đổ Altman và Brockman.
Những người đứng sau
Ngoài Greg Brockman, hội đồng quản trị của OpenAI gồm: nhà đồng sáng lập và trưởng nhóm khoa học OpenAI Ilya Sutskever, CEO Quora Adam D’Angelo, cựu CEO GeoSim Systems Tasha McCauley và cựu nhân viên Open Philanthropy Helen Toner – người hiện là giám đốc chiến lược tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Georgetown.
Trong số này, The Verge đánh giá Sutskever là người quan trọng nhất đứng sau hành động sa thải Sam Altman và loại Greg Brockman khỏi ghế chủ tịch. Ông đứng đầu nhóm nghiên cứu của OpenAI, một mảng bên phía phi lợi nhuận, không phải bên ứng dụng đưa sản phẩm ra thị trường. Ông cũng là người đồng sáng lập duy nhất còn lại của OpenAI nằm trong ban giám đốc.
Vào tháng 7, OpenAI thông báo Suskever đồng lãnh đạo một nhóm đảm nhận 20% công việc liên quan đến khả năng tính toán của OpenAI, tập trung vào dự án “Superalignment” – phát triển các giải pháp công nghệ giám sát AI, đề phòng một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo thông minh hơn con người. “Nếu bạn coi trọng trí thông minh hơn tất cả những phẩm chất khác của con người, đó sẽ là điều tồi tệ nhất”, ông viết trên X vào 6/10.
Thời gian qua, Sam Altman công bố một loạt dự định của OpenAI theo hướng lợi nhuận, chẳng hạn tạo ra cửa hàng ứng dụng AI cho bên thứ ba đăng bán sản phẩm, hay bàn với Jony Ive – cựu giám đốc thiết kế của Apple – về kế hoạch phát triển thiết bị AI. “Altman rất muốn làm điều gì đó với OpenAI theo con đường thương mại”, The Verge bình luận.
Theo Forbes, nhiều tên tuổi khác trong hội đồng quản trị OpenAI lại có quan điểm ngược với những gì Altman thể hiện. Trong đó có D’Angelo, người gia nhập hội đồng vào tháng 4/2018. “Tôi tiếp tục nghĩ việc hướng tới sự an toàn của AI, điều rất quan trọng nhưng bị đánh giá thấp”, ông nói khi đó.
Hồi tháng 1, D’Angelo cũng đánh giá cao việc giới hạn kinh doanh trong mô hình hoạt động của OpenAI. “Sẽ không có kết quả gì nếu tổ chức này là một trong năm công ty công nghệ quy mô toàn cầu. Tôi hy vọng OpenAI làm được nhiều điều tốt đẹp cho thế giới, thay vì trở thành doanh nghiệp lớn”, D’Angelo nói với Forbes.
Trong khi đó, McCauley là nhà khoa học về AI, từng thành lập nhiều công ty ở lĩnh vực này như Fellow Robots, GeoSim Systems cùng với chồng, ông Joseph Gorden-Levitt. Cả hai cùng đặt bút ký vào bộ 23 nguyên tắc quản trị AI được xuất bản năm 2017. Ngoài ra, bà cũng đang có ghế trong ban cố vấn của Trung tâm Quản trị AI quốc tế của Anh.
Cuối cùng là Toner, người gia nhập ban giám đốc OpenAI vào tháng 9/2021. Vai trò của bà là “suy nghĩ về sự an toàn của AI trong một thế giới mà sự sáng tạo của OpenAI có ảnh hưởng toàn cầu”. Gần đây, bà cũng có những phát biểu về việc chạy đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó phản bác ý kiến của Altman rằng quy định về trí tuệ nhân tạo không làm chậm cuộc đua AI giữa hai quốc gia.
Elon Musk, một trong những người sáng lập OpenAI nhưng đã rời đi từ 2018, cũng nhiều lần chỉ trích OpenAI đi chệch sứ mệnh ban đầu. Ngày 17/2, ông viết trên X: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở. Đúng như tên gọi, đây là một công ty phi lợi nhuận, sinh ra để làm đối trọng với Google, nhưng giờ nó đã trở thành nguồn lợi nhuận quan trọng của Microsoft”. Hôm 15/3, Musk tiếp tục nói không hiểu bằng cách nào tổ chức phi lợi nhuận ông từng góp 100 triệu USD lại trở thành công ty có vốn hóa thị trường hàng chục tỷ USD.
Theo nhà báo công nghệ Mỹ Kara Swisher, sự rời đi “một cách hỗn loạn” của Altman có thể liên quan đến những căng thẳng ngày càng tăng giữa định hướng như một tổ chức phi lợi nhuận với vấn đề lợi nhuận của công ty. “Phía phi lợi nhuận đang ngày càng lo ngại đến tốc độ phát triển của công ty, điều họ tin sẽ mâu thuẫn với sứ mệnh thận trọng và an toàn trong phát triển AI”, Swisher nói với Business Insider.
The Verge cũng có chung quan điểm. “Đây có thể xem là cuộc chiến giữa một bên vì lợi nhuận, bên còn lại muốn hướng AI đến mục tiêu vì loài người. Phe của Sutskever dường như đã thắng. Điều này báo hiệu OpenAI đang bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn khác”, trang này bình luận.
Bảo Lâm