Cuối tháng 11/2023, Duy Nguyên, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chi 8,5 triệu đồng mua chiếc Xiaomi 12S Pro tại một cửa hàng trên phố Cầu Giấy. Người bán cam kết là hàng xách tay dùng lướt, mới 99%, còn hộp đựng và pin nguyên bản. Nhưng sau vài tuần, máy xuất hiện tình trạng nóng, pin sụt nhanh dù chỉ sử dụng các tác vụ thông thường.
Người bán giải thích lỗi có thể do phiên bản hệ điều hành hiện tại, cần theo dõi thêm. Tuy nhiên, khi mang máy tới kiểm tra ở nơi khác, anh phát hiện mua nhầm thiết bị demo – những máy trưng bày ở các đại lý bán lẻ, chuyên để người người dùng trải nghiệm.
“Thợ sửa chữa cho biết hộp đựng điện thoại có dòng chữ tiếng Trung với nghĩa ‘mẫu trưng bày’, nhưng bị cửa hàng dùng mực để che đi. Khi kiểm tra trên website chuyên dụng, hệ thống cũng phản hồi là hàng demo”, anh nói. Anh tiếp tục liên lạc với nơi bán nhưng không được giải quyết.
Tương Tự, Minh Hoàng, 22 tuổi ở TP HCM, mua hai chiếc Xiaomi K60 Pro mới nguyên seal với tổng giá gần 18 triệu đồng. Khi đối chiếu thông tin trên vỏ hộp, anh mới biết cả hai đều là máy trưng bày. “Cửa hàng chỉ nói là điện thoại Xiaomi xách tay mới 100% và không cung cấp thêm thông tin. Khi tôi phản ánh, họ giải thích rằng cũng không nhận ra hàng demo và từ chối đổi trả”, anh nói.
Hoàng cho biết điện thoại chưa phát sinh lỗi, nhưng cảm thấy bị lừa khi người bán từ chối trách nhiệm, khiến anh phải mua hàng với giá của máy thương mại.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, quản trị viên một hội chuyên dùng hàng Xiaomi với hơn 10.000 thành viên, sự xuất hiện của thiết bị loại này tại thị trường Việt Nam được cảnh báo từ lâu. “Người bán có nhiều cách phân loại sản phẩm demo, nhưng cố tình giấu nhằm thanh lý giá cao. Thực tế, trước khi đến tay cửa hàng, máy demo được các kênh phân phối chào bán với giá chỉ bằng 60-80% so với máy thương mại”, ông nói.
Không chỉ Xiaomi, điện thoại trưng bày từ một số hãng Trung Quốc cũng được rải rác đưa về Việt Nam như Oppo, Realme, Vivo… Tuy nhiên, cuối năm ngoái đến nay, đây trở thành đề tài nóng trong cộng đồng điện thoại Xiaomi với hàng loạt bài viết than phiền. Một số chuyên gia nhận định việc người dùng phản ứng mạnh với hàng trưng bày Xiaomi là do thương hiệu này vốn phổ biến trên thị trường xách tay hơn so với các nhà sản xuất smartphone khác.
Hiện điện thoại Xiaomi demo tại Việt Nam phân thành hai loại chính là máy đã được trưng bày và chưa trưng bày. Theo ông Trung, máy đã trưng bày tiềm ẩn rủi ro cho người dùng vì phải hoạt động 24/7 tại cửa hàng, màn hình luôn sáng và sạc liên tục, dẫn đến lỗi hiển thị hoặc dung lượng pin xuống thấp. Bên cạnh đó, nhiều máy bổ sung tính năng hỗ trợ quảng cáo nên sẽ bị can thiệp phần mềm để “làm mới” trước khi tung ra thị trường.
Về máy chưa trưng bày, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, cho biết đa phần là hàng mẫu được Xiaomi cung cấp riêng cho đại lý ủy quyền, nhưng tồn kho vì chưa sử dụng hết. Khi model không còn nằm trong kế hoạch kinh doanh của hãng, đại lý sẽ thanh lý ra bên ngoài thông qua hình thức đấu thầu. Những máy này thường có giá rẻ, nguyên seal, chưa kích hoạt, tính năng và chất lượng tương đương sản phẩm thương mại mới.
“Ở đại lý ủy quyền, thiết bị trưng bày sẽ phải trải qua khâu kiểm tra, cân đối về mức giá và chế độ bảo hành trước khi phân phối tới người dùng. Trong khi đó, máy demo ở cửa hàng nhỏ lẻ thường khó xác định tình trạng và nguồn gốc, vì vậy nên tìm hiểu kỹ và thực hiện giao dịch tại cơ sở uy tín”, đại diện CellphoneS nói.
Theo đại diện Xiaomi Việt Nam, để phân biệt máy demo nhằm tránh mua nhầm, người dùng có thể xem dòng chữ “mẫu trưng bày” bằng tiếng Trung trên hộp đựng. Khi nhập mã IMEI, một số trang web chuyên dụng cũng cung cấp thông tin kèm ngày kích hoạt và số lần bảo trì. Ngoài ra, người dùng có thể đến trực tiếp đơn vị bảo hành chính hãng để kiểm tra. Một số điện thoại thế hệ mới như Xiaomi 14 series và Redmi K70 series đã dừng hỗ trợ mở khóa bootloader, khiến thiết bị xách tay không cài được giao diện tiếng Việt, do đó người dùng cân nhắc mua hàng chính hãng để hạn chế rủi ro và có trải nghiệm sử dụng tốt hơn.
Hoàng Giang