Được thông qua vào tháng 10 và bắt đầu có hiệu lực cuối tháng 11, luật được viết bằng ChatGPT trong 15 giây với câu lệnh: “Tạo luật cấp thành phố cho Porto Alegre theo hướng từ cơ quan lập pháp chứ không phải hành pháp, cấm cơ quan quản lý nước thải thành phố tính phí lắp đặt đồng hồ đo nước mới khi chúng bị mất trộm”.
Nói với Washington Post ngày 1/12, ủy viên hội đồng Ramiro Rosário của Porto Alegre cho biết ông “rất kinh ngạc” khi ChatGPT đưa ra các giải pháp mà chính ông và các cử tri mất nhiều tháng suy nghĩ nhưng không tìm được tiếng nói chung. Trong đó, chatbot của OpenAI đề xuất thời hạn 30 ngày để thành phố thay đồng hồ nước bị đánh cắp, cũng như thêm điều khoản miễn hóa đơn tiền nước nếu thời hạn trên không được đáp ứng.
“Đề xuất của AI được tất cả 36 thành viên hội đồng chấp thuận, đa số không biết nội dung đó do AI tạo ra”, Rosário nói. “Dự luật sau đó cũng được một số ủy ban thuộc hội đồng thành phố xem xét kỹ và chỉ điều chỉnh một phần nhỏ về cách diễn đạt trước khi được thông qua”.
Giải thích lý do chỉ tiết lộ ChatGPT viết sau khi luật đã được duyệt, Rosário cho rằng nếu biết trước, một số thành viên có thể không đồng ý. “Bằng việc tuyên bố AI tạo ra dự luật sau khi đã được thông qua, quá trình không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”, ông nói với AP ngày 4/12. “Sẽ không công bằng cho người dân nếu có nguy cơ dự án không được phê duyệt chỉ vì nó được viết bởi trí tuệ nhân tạo”.
Hamilton Sossmeier, Chủ tịch hội đồng thành phố Porto Alegre, cũng không hay biết luật mới là tác phẩm của ChatGPT cho đến khi nhận thông tin từ Rosário. Ban đầu, ông kịch liệt phản đối vì lo ngại sẽ đặt ra một “tiền lệ nguy hiểm” cho việc soạn thảo luật về sau. Tuy nhiên, Sossmeier thay đổi quyết định sau khi đọc kỹ. “Tôi bắt đầu đọc sâu hơn và thấy thật không may, hoặc may mắn thay, đây sẽ là một xu hướng”, Sossmeier nói.
Porto Alegre là thành phố lớn thứ hai ở miền nam Brazil với dân số 1,3 triệu người. Tại Brazil, một số cơ quan cũng sử dụng ChatGPT cho một số trường hợp nhất định. Giữa tháng trước, một thẩm phán liên bang đã bị điều tra vì mắc nhiều lỗi trong phán quyết mà ông đã dùng ChatGPT để viết.
ChatGPT hiện được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng trước của công ty công nghệ Vectara, tất cả chatbot đều có thể đưa ra thông tin sai lệch, từ 3% đối với mô hình GPT tiên tiến nhất của OpenAI đến 27% đối với một trong các mô hình Google đang phát triển.
Theo Andrew Perlman, trưởng khoa Luật của Đại học Suffolk (Mỹ), ChatGPT ngày càng tham gia nhiều lĩnh vực, “báo trước một sự thay đổi lớn, thậm chí lớn hơn cả Internet ra đời”. Tuy nhiên, với lĩnh vực luật pháp, ông cho rằng chatbot “không có mức độ hiểu biết và phán đoán như con người” khi đề cập các nguyên tắc và vấn đề pháp lý, nhất là trong những tình huống cần có sự phân tích pháp lý sâu. Do đó, văn bản do chúng tạo ra chỉ nên dùng để tham khảo.
Bảo Lâm (theo Business Insider)