Tuần qua, tài khoản Facebook của sở cảnh sát ở nhiều thành phố thuộc bang Ohio, Pennsylvania và Oklahoma cùng cảnh báo về nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân khi dùng NameDrop, đặc biệt là với trẻ em.
“Tính năng được mở mặc định, cho phép chia sẻ thông tin liên lạc của bạn khi đưa máy đến gần điện thoại khác. Các phụ huynh đừng quên thay đổi cài đặt này sau khi điện thoại của con mình cập nhật iOS mới, để giữ cho chúng an toàn”, tài khoản của Sở cảnh sát hạt Noble, bang Indiana thông báo và nhận được hơn 70.000 lượt chia sẻ. Bài đăng cũng chỉ cách tắt NameDrop mặc định. Một video TikTok với hơn một triệu lượt xem cũng cho biết tính năng mới có thể khiến người lạ dễ dàng lấy thông tin của người dùng ở những địa điểm công cộng.
NameDrop mới có trên iOS 17, cho phép hai người dùng thiết bị Apple trao đổi danh bạ khi đưa máy lại gần nhau. Sự dễ dàng khi chia sẻ thông tin, nhất là khi tính năng được bật mặc định, là nguyên nhân nhiều sở cảnh sát đăng cảnh báo.
Tuy nhiên, theo CBSnews, cảnh báo chưa đầy đủ và gây hoang mang. Thực tế, để chuyển thông tin từ iPhone sang máy khác, phần đầu hai máy phải đưa vào sát nhau ở khoảng cách dưới 2 cm. Cả hai máy cũng đều phải mở khóa và người dùng trực tiếp bấm “cho phép” trước khi chia sẻ. Việc chia sẻ sẽ bị dừng nếu một trong hai người khóa máy hoặc không bấm đồng ý.
Nếu muốn tắt chế độ mặc định, người dùng có thể vào phần Cài đặt (Settings) > Cài đặt chung (General) > AirDrop > Đưa các thiết bị lại gần nhau (Bringing Devices Together) > kéo nút gạt để tắt NameDrop.
Ngoài danh bạ, iOS mới nhất cũng hỗ trợ chuyển ảnh, video hoặc tài liệu theo cách tương tự NameDrop, đều là cải tiến tận dụng giao thức truyền tập tin không dây AirDrop của Apple.
Đây không phải lần đầu những rủi ro của tính năng AirDrop được nêu ra. Trước đây đã có nhiều trường hợp kẻ xấu gửi ảnh, video đồi trụy qua AirDrop nhằm quấy rối ở nơi đông người. Cuối 2022, từ bản cập nhật iOS 16.2, Apple đã đưa ra giới hạn nhận dữ liệu từ mọi người trong 10 phút để giảm tình trạng này.
Hoài Anh