Tại hội nghị về thông tin, tuyên truyền ngày 24/11 ở Quảng Ninh, ông Hoàng Anh Văn, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn tin giả trên không gian mạng.
Theo đánh giá của Bộ, mạng xã hội đang trở thành môi trường khiến việc lan truyền tin giả đến nhiều người trở nên dễ dàng, trong bối cảnh hơn 71% người dân Việt Nam sử dụng các nền tảng này. Vì vậy, thời gian qua Bộ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tin giả, cũng như nâng cao khả năng giám sát không gian mạng.
Ông Văn cho biết để làm được điều này, Bộ đã lập bộ phận chuyên trách giám sát không gian mạng, với khả năng giám sát 300 triệu tin mỗi ngày. Ngoài ra, họ cũng phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để phát triển công cụ rà quét tin, bài trên mạng và đang nghiên cứu công cụ quét ảnh và video. Song song với đó, Bộ cũng “lập danh sách tài khoản, kênh, tranh mục tiêu cần theo dõi giám sát và bố trí nhân sự theo dõi liên tục”, theo ông Văn.
Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập trung tâm xử lý tin giả từ năm 2021 để tiếp nhận phản ánh từ người dùng, sau đó xác minh, xử lý và công bố tin giả nếu có. Sau gần ba năm, trung tâm nhận gần 6.400 phản ánh. Hơn 30 website giả mạo doanh nghiệp, 543 tin giả, xấu độc, 725 tên miền đã bị chặn gỡ.
Về khung pháp lý phòng chống tin giả, ông Văn cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có một số điểm mới như: Xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại, ngừng cung cấp Internet với người vi phạm, yêu cầu nền tảng gỡ nội dung vi phạm trong 24 giờ kể từ khi được yêu cầu.
Theo đánh giá của Cục, từ 2020 đến nay, việc đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới cũng đạt được một số kết quả, trong đó các nền tảng đã thực hiện yêu cầu chặn gỡ theo yêu cầu từ Cục với tỷ lệ đáp ứng hơn 90% thay vì không hợp tác như trước đây. Trung bình mỗi tuần khoảng 700 link tin giả, xấu độc bị chặn gỡ.
Thiệt hại từ tin giả
Theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, tin giả thường được thể hiện dưới hình thức phát ngôn thù địch, tin bịa đặt, bôi nhọ, kích động, xúc phạm và quấy rối; chủ yếu nhằm mục đích chính trị hoặc tài chính. “Việc lan truyền tin giả gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm thao túng dư luận, gây lo lắng, sợ hãi, chia rẽ, bất hòa cho công chúng và xói mòn niềm tin vào nguồn tin tức hợp pháp”, ông Văn nói.
Tại Ngày hội Tinternet, trong khuôn khổ Chiến dịch Tin nhằm nâng cao ý thức người dùng mạng Việt Nam tối 23/11, ông Nguyễn Bá Diệp, nhà đồng sáng lập MoMo đánh giá tin giả là rủi ro có khả năng tác động cao và gây thiệt hại khổng lồ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Dẫn báo cáo của Đại học Baltimore và công ty CHEQ công bố năm 2019, ông cho biết tin giả, tin sai lệch đã tạo ra thiệt hại toàn cầu ở mức 78 tỷ USD, trong đó tác động thị trường tài chính là 65 tỷ USD.
“Tài chính – ngân hàng vốn là thị trường của niềm tin, nên tin giả liên quan liên quan thị trường này sẽ tạo ra tác động cực kỳ lớn”, ông Diệp nói. Để ngăn chặn thiệt hại từ tin giả, ông cho rằng tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với tin giả bởi bất cứ ai cũng có thể trở thành mục tiêu của vấn nạn này.
Ông Hoàng Anh Văn cho biết dự thảo nghị định thay thế nghị định 72 sẽ có quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, theo hướng “quản lý lĩnh vực gì trong đời thực cũng quản lĩnh vực đó trên mạng”. Ngoài ra, Cục cũng sẽ có các chiến dịch để đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống tin giả của người dân và toàn xã hội.
Lưu Quý