Theo Nikkei Asia, các công ty sản xuất robot phục vụ nhà hàng, bệnh viện, khu vui chơi… hiện có doanh số bán hàng ngày càng tăng. Pudu Robotics, được thành lập năm 2016 tại Thâm Quyến, cho biết công ty đạt doanh thu 100 triệu USD vào năm 2022 nhờ cung ứng robot trong nước và một số nước. Keenon Robotics, trụ sở tại Thượng Hải, cũng đang hướng ra thị trường nước ngoài. Tính đến hết năm 2022, công ty bán được 35.000 robot, trong đó gần 10.000 là cho thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Theo số liệu do hãng nghiên cứu IDC công bố tháng 7, các nhà sản xuất robot dịch vụ của Trung Quốc đang tăng tốc mở rộng ra toàn cầu. Năm 2022, các công ty này đã tạo ra doanh thu gần 200 triệu USD từ thị trường nước ngoài, đạt mức tăng trưởng 103,4% so với cùng kỳ năm trước đó.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp robot Trung Quốc phát triển nhanh chóng, trong đó lĩnh vực robot dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Doanh thu của ngành vượt 170 tỷ nhân dân tệ (23,94 tỷ USD), đưa Trung Quốc trở thành thị trường robot, bao gồm sản xuất và cung ứng, lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu Liên đoàn Robot Quốc tế công bố tháng trước, ngành công nghiệp robot Trung Quốc duy trì mức tăng ổn định trong nửa đầu 2023. Tổng cộng, có 3,53 triệu bộ robot dịch vụ được sản xuất, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2022.
Chính phủ nước này hiện đặt tham vọng trở thành nơi sản xuất robot hàng đầu thế giới. Theo đề cương phát triển ngành công nghiệp robot trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), Trung Quốc sẽ là trung tâm đổi mới toàn cầu về công nghệ robot.
Còn theo SCMP, đầu tháng này, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) ban hành văn bản dài 9 trang nhằm kêu gọi xây dựng chuỗi cung ứng và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế cho ngành công nghệ. Trong đó, lãnh đạo nước này xem robot là lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Dự kiến năm 2025, Trung Quốc hoàn thiện và đưa robot hình người vào sản xuất hàng loạt. Đến 2027, những cỗ máy này sẽ có khả năng học hỏi và trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế hàng đầu.
Đầu năm nay, MIIT cũng đã cùng Bộ Giáo dục Trung Quốc và 15 cơ quan khác ban hành kế hoạch hành động Robot+ nhằm mở rộng việc sử dụng robot. Đến 2025, Trung Quốc dự kiến có số lượng robot gấp đôi năm 2020, đồng thời tăng đáng kể việc sử dụng robot dịch vụ và robot cho các nhiệm vụ đặc biệt.
Robot dịch vụ được đánh giá ngày càng quan trọng và có thể thay thế con người trong một số công việc hàng ngày, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như giảm bớt lao động chân tay. Chúng hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe, khách sạn, dịch vụ xây dựng và hậu cần, làm các nhiệm vụ như chào đón khách, giao bữa ăn, chuyển phát nhanh bưu kiện, dọn dẹp và hỗ trợ y tế.
Theo Jiao Ziyuan, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trí tuệ nhân tạo tổng hợp Bắc Kinh, robot dịch vụ tại Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng với tỷ lệ nội địa hóa cao, cũng như tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, như nhận dạng giọng nói và hình ảnh bằng AI.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế. Theo Ziyuan, các yếu tố như khác biệt văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài, quy định về robot tại từng quốc gia là những rào cản lớn. Dù vậy, họ có thể cạnh tranh bằng giá bán, cũng như nâng cấp tính năng bên trong.
Ngoài ra, Ziyuan cho rằng robot hình người sẽ là một trong những hướng phát triển chính của robot dịch vụ. “Robot với hình dáng giống con người có thể thích ứng tốt hơn với tình huống thực tế, cho phép chuyển đổi từ mục đích này sang mục đích khác một cách linh hoạt”, Ziyuan nói. “Đối với nhà sản xuất, việc tạo robot hình người kết hợp giảm chi phí và bổ sung nhiều tính năng thông minh hơn sẽ là hướng đi quan trọng trong tương lai”.
Bảo Lâm (theo People’s Daily)