Tại sự kiện Internet Day 2023 ngày 22/11 ở Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Đức Long dẫn thống kê cho thấy tỷ lệ người sử dụng Internet hiện đạt 79,1%. Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%.

Quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD và sẽ tăng lên 32 tỷ USD trong hai năm tới. “Đây rõ ràng là cơ hội to lớn mà Internet mang lại cho sự phát triển của Việt Nam”, ông Long nói.

Theo Thứ trưởng, sau 26 năm hòa vào mạng kết nối toàn cầu, Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, nhưng “nhìn ra xung quanh, hạ tầng Internet nói chung của Việt Nam còn hạn chế so với quy mô người dùng và dân số”.

Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam chỉ có năm tuyến cáp quang biển. Số lượng và quy mô các trung tâm dữ liệu được đánh giá rất khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhưng về cơ bản vẫn là bán lại dịch vụ cho nền tảng nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ sinh thái kết nối Internet “còn nhỏ bé và đơn giản” so với các nước tiên tiến trong ASEAN.


Thứ trưởng TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Internet day 2023. Ảnh: VIA

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại Internet day 2023. Ảnh: VIA

Từ hạn chế trên, Thứ trưởng cho rằng đây là cơ hội cho Việt Nam vì còn nhiều không gian để phát triển hạ tầng. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, như dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến được thông qua ngày 24/11. Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây nhằm tạo điều kiện cho các dịch vụ này phát triển. Ngoài ra cũng có quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm đáp ứng sự phát triển của công nghệ 5G và các thế hệ sau.

Kế hoạch thương mại hóa 5G cũng đã được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ trong năm 2024, đáp ứng nhu cầu Internet băng rộng di động, kết nối mật độ cao và ứng dụng độ trễ thấp, độ tin cậy cao. Ngoài ra, chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến 2025 đã được trình Thủ tướng, nhằm đưa dịch vụ viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, 5 năm qua, Việt Nam có số thuê bao băng rộng cố định tăng hơn 72%, từ 13 triệu lên 22,5 triệu. Số thuê bao băng rộng di động tăng hơn 60%, từ 52,84 triệu lên 84,88 triệu, chiếm 85,4% dân số. Lưu lượng dữ liệu sử dụng trên mỗi thuê bao băng rộng di động hàng tháng tăng từ 2,9 lên 12,2 GB, trong khi băng thông quốc tế tăng từ 7,6 Gbps lên 13,4 Gbps. Hạ tầng băng rộng đã phủ sóng 99,8% dân số.

Tại sự kiện, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cũng điểm lại nhiều dốc mốc quan trọng trong sự phát triển của Internet Việt Nam 26 năm qua.

Dẫn thống kê của một số đơn vị nghiên cứu thị trường, ông cho biết số người sử dụng Internet trên toàn cầu năm 2023 tăng thêm 100 triệu người, chạm mốc 5,4 tỷ, tương đương 67% dân số thế giới. Tại Việt Nam tính đến tháng 1 đã có 77,93 triệu người dùng, tương đương 79,1% dân số. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Kinh tế Internet Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31% mỗi năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

Lưu Quý