Thông điệp được Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Ngày hội Tinternet, trong khuôn khổ Chiến dịch Tin – chuỗi hoạt động nhằm nâng cao ý thức người dùng mạng Việt Nam do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp cùng báo VnExpress phát động. Sự kiện diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm đầu tiên Bộ tổ chức chiến dịch, tập trung vào tin giả song chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới trẻ, các TikToker, nhà sáng tạo nội dung. Sự kiện diễn ra lúc 19h nhưng từ chiều, nhiều bạn trẻ đã có mặt tham gia các hoạt động trải nghiệm bên ngoài hội trường. 30 phút trước giờ khai mạc hàng trăm người xếp hàng đợi check-in.
Đảm nhiệm vai trò Đại sứ Chiến dịch Tin, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 Lương Thuỳ Linh chia sẻ, một trong những điều đáng sợ nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng nổ là tin giả (fake news). Hoa hậu dẫn chứng, năm 2022, nghiên cứu từ nhóm tác giả thuộc Đại học Oxford, được UNICEF công bố 76% thanh thiếu niên đối mặt với tin giả từ các nguồn trực tuyến ít nhất một tuần một lần. Con số này tăng 50% hai năm trước đó.
“Điều này cho thấy công nghệ càng phát triển thì chúng ta càng tiếp xúc với nhiều tin giả”, Hoa hậu nói. “Nghệ sĩ thường là nạn nhân của tin giả, tin sai sự thật. Tin giả sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp của nghệ sĩ, tệ hơn là sức khoẻ tâm lý của họ”.
Điểm nhấn của chương trình là phần thảo luận “Tin nên tin”, với sự tham gia của ông Lê Quang Tự Do, nhà sáng tạo nội dung Dino Vũ, và diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm.
Trong vai trò nhà là sáng tạo nội dung, Dino Vũ cho rằng tin giả ngày càng tràn lan, “đồng thau lẫn lộn”, là thách thức của các nhà sáng tạo nội dung. Bản thân anh luôn cố gắng đưa ra thông tin xác thực, dựa trên đó để kết nối với người dùng. Đặc biệt, mỗi thông tin đưa ra, nhà sáng tạo nội dung phải trích dẫn nguồn chính xác, uy tín. Sau mỗi phần trả lời, Dino Vũ nhận được sự tán thưởng của khán giả.
Đồng tình với quan điểm này, diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm khẳng định, công việc sáng tạo nội dung cũng cần nghiêm túc như làm luận văn. “Dù bạn là ai, là người được lắng nghe nhiều, hay là sinh viên đại học thì đều cần có kỷ luật trong viết và truyền tải thông tin. Tạo dựng nội dung cũng như viết luận, cần kỷ luật và trách nhiệm với thông tin mình đưa ra”, nữ diễn viên Mắt Biếc nói.
Chia sẻ về cách đối diện với tin giả, ông Lê Quang Tự Do khuyên người dùng mạng, cần check thông tin hai lần. “Thứ nhất là xem thông tin có uy tín, đáng tin hay không; thứ hai, tập phớt lờ, chấp thuận, không nên đối xử như những lời bình phẩm trực tiếp được, nếu không khó sống, khó tồn tại”, ông Do nói.
Ở góc độ người nổi tiếng, khi đối mặt với tin giả, Dino cho biết, cố gắng để thông tin đó không tác động quá lớn đến tâm lý của bản thân nhờ “rào đỡ” là người thân, bạn bè. Nguyễn Lâm Thảo Tâm cho biết cô cũng cần chỗ dựa như vậy để cân bằng và luôn dặn lòng phải tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh.
Về văn hóa ứng xử văn minh và đúng đắn trên không gian mạng, Thảo Tâm cho biết thêm, mỗi người cần thấu cảm, kỷ luật và học cách chấp nhận. Thấu cảm là khi đứng trước nhiều thông tin tốt xấu, hãy dừng lại một chút để hiểu vì sao có những hiểu lầm đó. Thứ hai là kỷ luật trong mọi vấn đề. Thứ ba học cách chấp nhận nghĩ là đôi khi trong môi trường không hoàn hảo, có tình huống không hoàn hảo xảy ra, hãy học cách chấp nhận trước khi tìm cách khắc phục.
Theo vị đại diện Bộ thông tin và Truyền thông, tin sai sự thật xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Việc kiểm soát thông tin hiện nay lại trở nên khó khăn và phức tạp hơn. “Với cơ chế vận hành đăng rồi mới hậu kiểm của mạng xã hội, rất khó kiểm soát, quan trọng là ý thức người dùng mạng xã hội. Muốn hạn chế tin giả người dùng cần có sự văn minh, văn hoá mạng”, ông Do nói.
Nghệ sĩ, khán giả khuấy động không khí
Xen kẽ nội dung tại sự kiện là các tiết mục văn nghệ, trong đó sự xuất hiện của ca sĩ Phương Ly, nhạc sĩ Bùi Công Nam nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các bạn trẻ.
Phương Ly trình bày bản mashup “Thằng điên – Mặt trời của em” và bài hit vừa ra mắt “Anh là ngoại lệ của em” trên nền nhạc sôi động. Sau mỗi bài hát, khán giả không ngớt vỗ tay, hò hét, nhiều bạn trẻ chạy sát cánh gà để quay video hoặc đứng nhún nhảy cùng nữ ca sĩ.
Trong trang phục hồng đậm, ca sĩ, nhạc sĩ Bùi Nam mang tới giai điệu vui tươi với ca khúc Năm qua đã làm gì. Nghệ sĩ không quên tương tác với các khán giả dưới hội trường, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ.
Sau đó nhạc sĩ trình diễn ca khúc chủ đề Anti Fake News do anh phổ lại lời dựa trên bản hit Có không giữ mất đừng tìm. Cùng với sự hỗ trợ của các vũ công, nam ca sĩ, nhạc sĩ truyền tải thông điệp ý nghĩa: phòng chống tin giả cho người dùng mạng.
Trao giải cuộc thi Anti Fake News
Trong bài phát biểu mở màn, Lê Quang Tự Do cho biết, khi triển khai chiến dịch này Bộ hồi hộp sự đón nhận của cộng đồng mạng. Kết quả sau một tháng phát động, chiến dịch nhận được hơn 50 bài dự thi, với 150 triệu lượt xem, bên cạnh đó là hơn 100 bài hưởng ứng (không tham gia thi) với 280 triệu lượt xem. Tổng cộng, đến nay có tới 1,5 triệu video gắn hashtag Anti Fake News trên nền tảng TikTok, số lượt xem lên đến hơn 5 tỷ.
Do vậy, phần trao ba giải thưởng cao nhất cho ba video xuất sắc cũng được khán giả mong chờ, dù thời lượng chương trình kéo dài hơn 30 phút so với dự kiến.
Kết quả, giải nhất trị giá 30 triệu đồng gọi tên Lê Phúc Thành đến từ kênh TikTok Phúc Thành 22.
Giải nhì: Trần Thị Mỹ Uyên và kênh TikTok Trần Mỹ Uyên.
Giải ba: Nguyễn Thị Ngọc Hà chủ kênh TikTok Nghệ sĩ Hà Myo nhận giải thưởng 10 triệu đồng.
Tham gia cùng chuỗi sự kiện lan toả văn hoá mạng lần này còn có các doanh nghiệp như: Vinamilk, MoMo… Tại sự kiện, các doanh nghiệp này cam kết đồng hành cùng hoạt động truyền thông chống tin giả.
Sự kiện kết lúc gần 22h, nhiều khán giả nán lại trò chuyện, chúc mừng và chụp ảnh cùng các Tiktoker.