Mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai hãng công nghệ được tiết lộ trong buổi ra làm chứng tuần này liên quan đến vụ kiện chống độc quyền giữa Epic Game và Google.

Theo Bloomberg, Epic Game, nhà sản xuất trò chơi Fortnite, cho rằng thị trường ứng dụng đang bị Google thao túng. Luật sư Lauren Moskowitz của Epic lấy ví dụ trường hợp của Samsung. Năm 2019, Google đề nghị trả cho hãng Hàn Quốc 200 triệu USD trong bốn năm để kho ứng dụng Galaxy Store nằm bên trong Play Store, thay vì được cài đặt riêng.

Đề xuất trên bị từ chối và Google tiếp tục ký ba thỏa thuận khác với Samsung trị giá 8 tỷ USD trong vòng 4 năm, nhằm đảm bảo các dịch vụ Search, Assistant hay Play Store trở thành tùy chọn mặc định trên điện thoại Galaxy, thậm chí được ưu tiên hơn ứng dụng gốc của chính Samsung như trợ lý ảo Bixby và Galaxy Store. Sự hợp tác không chỉ củng cố vị trí thống trị của Google trên thị trường thiết bị Android mà còn ngăn cản việc tích hợp dịch vụ của bên thứ ba.


Các dịch vụ Google trên một điện thoại của Samsung. Ảnh: AndroidAuthority

Các dịch vụ Google trên một điện thoại của Samsung. Ảnh: AndroidAuthority

James Kolotouros, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối tác của Google, cũng thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ với Samsung trong lời khai tại vụ kiện. Ông cho biết các thiết bị Samsung mang lại hơn nửa doanh thu trên Play Store cho Google.

Thỏa thuận với Samsung nằm trong khuôn khổ dự án Google Banyan. Ngoài khoản tiền cho hãng Hàn Quốc, dự án Banyan còn thực hiện hàng loạt biện pháp khác nhằm duy trì vị thế của Google trong hệ sinh thái Android. Ví dụ, dự án cam kết chia sẻ doanh thu từ quảng cáo cho nhà sản xuất để đảm bảo dịch vụ của Google được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Google đưa ra ưu đãi riêng để thuyết phục các thương hiệu điện thoại đưa dịch vụ Google lên màn hình chính của thiết bị.

Google được cho là đã chi 2,9 tỷ USD vào năm 2020 cho những biện pháp trên và có kế hoạch tăng mức đầu tư lên 4,5 tỷ USD năm nay để xây chắc vị trí trong bối cảnh phức tạp của ngành công nghiệp smartphone hiện nay.

Huy Đức (theo Gizchina)