Hồi tháng 7, Joseph, cựu nhân viên của Saleforces, trở thành nạn nhân trong làn sóng sa thải khắp ngành công nghệ Mỹ. Anh sợ hãi khi phải nghĩ đến cảnh dành nhiều tháng ôm laptop, tìm kiếm thông tin tuyển dụng, chỉnh sửa từng đơn và gửi chúng đến những công ty có nhu cầu khác nhau.
Là kỹ sư chuyên về tự động hóa giao diện người dùng tại San Diego, California, Joseph tin sẽ có ai đó tạo ra robot chuyên lập hồ sơ xin việc. Câu trả lời là LazyApply với dịch vụ Job GPT vận hành bằng AI, kèm theo lời hứa hẹn về khả năng tự động nhập và gửi hàng nghìn đơn chỉ với một nút bấm. Joseph chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về kỹ năng làm việc, kinh nghiệm và vị trí mong muốn.
Anh trả 250 USD cho gói sử dụng trọn đời không giới hạn và cài ứng dụng của LazyApply trên Chrome, sau đó chứng kiến AI nhập lượng lớn đơn xin việc trên những trang như LinkedIn và Indeed, nhắm tới những công việc phù hợp với yêu cầu của anh.
Để tăng hiệu suất, Joseph cài ứng dụng lên một chiếc laptop khác và để chúng chạy qua đêm. Sáng hôm sau, AI đã gửi đơn đến gần 1.000 công ty.
Công cụ không hoàn hảo. Nó đoán mò câu trả lời cho một số câu hỏi trong đơn xin việc, đôi khi đưa ra những kết quả gây nhầm lẫn. Dù vậy, Job GPT vẫn hoàn thành nhiệm vụ nhờ khả năng thực hiện lượng lớn công việc trong thời gian ngắn.
Joseph nhận được 20 lời mời phỏng vấn sau khi công cụ AI gửi đi hơn 5.000 đơn, tương đương tỷ lệ 0,5%. Con số này kém xa tỷ lệ 7-10% khi anh gửi thủ công, nhưng tiết kiệm rất nhiều thời gian và Joseph coi đó là khoản đầu tư xứng đáng.
Nhiều người tìm việc đều hiểu sức hút của tự động hóa quá trình nộp đơn, nhất là khi họ phải tốn nhiều thời gian nhập thông tin mà không bảo đảm sẽ được doanh nghiệp liên hệ. Thời gian trung bình để tuyển dụng nhân viên mới ở Mỹ hiện là 44 ngày, mức cao nhất từ trước đến nay, theo công ty tư vấn nhân sự Josh Bersin.
“Sự tồn tại của Job GPT cho thấy quy trình tuyển dụng có vấn đề. Tôi coi đây là biện pháp giành lại những quyền lợi bị các doanh nghiệp kiểm soát suốt nhiều năm qua”, Jospeph nêu quan điểm.
Lĩnh vực không ngừng phát triển
Các nhà tuyển dụng đang cảnh giác với nguy cơ bot tràn ngập cổng thông tin tìm nhân lực của họ. Christine Nichlos, CEO công ty tìm kiếm nhân tài People Science, kể về sự tồn tại của Job GPT và lập tức nhận được nhiều tiếng than thở từ bộ phận tuyển dụng. Bà và nhiều người coi việc sử dụng AI là dấu hiệu cho thấy ứng viên không nghiêm túc xin việc.
Một số người khác tỏ ra ít lo ngại hơn. “Tôi không quan tâm đơn xin việc đến tay mình thế nào, miễn là người nộp có năng lực”, Emi Dawson, lãnh đạo công ty tuyển dụng NeedleFinder Recruiting, cho hay.
Bà ước tính 95% đơn xin việc đến từ những ứng viên không đủ trình độ và phần mềm theo dõi tự động lọc chúng ra. Đây có thể là điều đã xảy ra với 99,5% đơn được Job GPT gửi thay Julian Joseph.
LazyApply cũng có đối thủ cạnh tranh, một số công ty còn huy động người thật để sàng lọc lỗi do AI tạo ra. Ví dụ với giá 39 USD mỗi tháng, dịch vụ Massive sẽ điền tự động 50 đơn xin mỗi tuần và có người đánh giá từng đơn để bảo đảm độ chính xác.
Phần lớn dịch vụ đều tập trung vào số lượng đơn tìm việc, với lập luận rằng tỷ lệ nhận được việc sẽ tăng cao khi số đơn gửi đi đủ lớn.
Dawson chấp nhận điều này với ứng viên mới bắt đầu tìm việc. “Tuy nhiên, với người có chuyên môn lâu dài, chất lượng vẫn tốt hơn số lượng. Phương thức hàng đầu để tìm việc là qua giới thiệu”, bà nói.
Các dịch vụ tự động thường không tiết lộ AI làm thay con người, nhưng giới tuyển dụng vẫn có thể phát hiện những dấu hiệu cho thấy điều này. Đơn xin việc được gửi tới chỉ vài giây sau khi có thông báo tuyển dụng là điểm dễ nhận thấy nhất, cũng như ứng viên không biết họ đăng ký vị trí nào.
“Một trong những điều tệ nhất tôi nghe từ người gửi hồ sơ là họ không hề biết mình vừa làm điều đó”, Marcus Ronaldi, ông chủ công ty tuyển dụng Ronaldi Recruiting trong lĩnh vực kế toán và kỹ thuật cơ khí, cho hay.
Dawson cho biết một ứng viên có thể đã dùng công cụ AI vì người này không nắm được mình đã đăng ký bao nhiêu công việc, lúng túng phản hồi khi được liên hệ phỏng vấn. “Ứng viên đó bị choáng ngợp vì số lượng đơn được gửi đi cùng lúc. Rải đơn khắp nơi là điều bình thường, nhưng cần nhớ mình đang theo đuổi cái gì”, bà nói.
Joseph cũng đồng tình với nhà tuyển dụng. Anh dùng công cụ của LazyApply để hoàn tất công việc lặp đi lặp lại như nhập thông tin và gửi đơn, đồng thời dành thời gian để kết nối và theo đuổi chiến lược xin việc khác mà không sợ bỏ sót thông báo tuyển dụng.
“Phỏng vấn cho một công việc không phù hợp vẫn xứng đáng hơn công sức điền lượng lớn hồ sơ. Tôi cũng dần cải thiện khả năng trả lời phóng vấn và tìm hiểu thêm về nhu cầu của mình”, Joseph nói.
Kỹ sư này đã nhận được một đề nghị làm việc nhờ LazyApply, cùng hai lời mời phỏng vấn tại Nhà Trắng và Apple thông qua những mối quan hệ riêng.
Điệp Anh (theo Wired)