Cuối tháng 8, YouTuber và nhà phát triển phần mềm Jeff Geerling đã thử nghiệm gửi dữ liệu bằng bồ câu đưa thư để so sánh với tốc độ Internet tại Mỹ. Anh buộc ba ổ USB chứa file có tổng dung lượng 3 TB, trọng lượng 18 gram, vào một con chim bồ câu và gửi từ Mỹ đi Canada. Cùng thời gian đó, anh cũng gửi file tương tự qua mạng Internet cáp quang đang dùng. Kết quả, bồ câu mất 150 phút chuyển dữ liệu đến đích, còn mạng Internet cần 438 phút.

“Tất nhiên, bồ câu không tránh được các vấn đề như dịch cúm, hay đôi khi chúng dừng lại kiếm ăn. Tuy nhiên, thử nghiệm cho thấy nó vẫn là phương tiện truyền tin hiệu quả hơn thông qua Internet trong một số trường hợp”, Geerling đánh giá.

Việc sử dụng bồ câu để truyền tin tức đã được áp dụng hàng nghìn năm. Người Hy Lạp cổ đại sử dụng loại hình này truyền bá kết quả của Thế vận hội Olympic; Reuters sử dụng một đội gồm 45 con bồ câu để gửi tin tức và giá cổ phiếu từ Brussels sang Aachen (Đức) vào năm 1850 ở khoảng cách 146 km mất hai tiếng.

Theo tổ chức American Racing Pigeon Union, chim bồ câu đưa thư hiện đạt tốc độ trung bình 64 km/h. Nếu bay theo chiều gió, bồ câu được ghi nhận có thể bay với tốc độ 180 km/h và bay xa tới 1.600 km.

Tốc độ kể trên kết hợp khối lượng dữ liệu và khoảng cách nhất định, chim bồ câu được đánh giá là lựa chọn nhanh hơn để gửi dữ liệu so với vùng nông thôn rộng lớn ở Mỹ, nhất là những nơi tốc độ Internet kém xa mức trung bình của quốc gia này.


Minh họa về chim bồ câu và cáp Internet. Ảnh: Crast

Minh họa về chim bồ câu và cáp Internet. Ảnh: Crast

Theo Washington Post, việc chuyển tài liệu thông qua một con bồ câu có thể so sánh với việc truyền dữ liệu đó qua Internet hay không phụ thuộc vào ba điều: tốc độ Internet, khoảng cách và kích thước gói dữ liệu. Trong đó, kích thước dữ liệu là yếu tố gây chậm tốc độ Internet.

Người dùng khu vực thành thị tại Mỹ đã trải nghiệm Internet tốc độ cao từ lâu, nhưng ở các vùng nông thôn, mạng có thể không ổn định và chậm. Theo dữ liệu của công ty đo đạc tốc độ Internet M-Lab dựa trên 280 triệu phép đo, thực hiện từ 1/1 đến 7/11, cứ 5 người dân ở nông thôn có một người không truy cập được Internet với tốc độ tối thiểu theo quy định của FCC năm 2015 là tốc độ tải xuống từ 25 Mb/giây và tốc độ tải lên trên 3 Mb/giây.

Theo các chuyên gia, tốc độ Internet dưới ngưỡng này có thể hỗ trợ tác vụ thông thường như duyệt web, gửi email và phát video độ phân giải HD cho tối đa hai người dùng. Nếu cần xem video 4K hay sử dụng phần mềm đám mây phức tạp, tốc độ trên không đủ. FCC đang xem xét nâng tiêu chuẩn lên 100 Mb/giây cho tốc độ tải xuống và 20 Mb/giây tải lên – mức được cho là phản ánh chính xác hơn nhu cầu của người dùng Internet hiện đại.


Nhiều khu vực tại Mỹ, tốc độ Internet đạt 10 Mb/giây (màu xanh). Nguồn: M-Lab

Nhiều khu vực tại Mỹ có tốc độ Internet tải lên dưới 10 Mb/giây (màu xanh). Nguồn: M-Lab

Alex Kelley, đứng đầu bộ phận tư vấn băng thông rộng của tổ chức phi lợi nhuận Center on Rural Innovation, sự phân chia giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị tại Mỹ thể hiện rõ nhất qua việc sử dụng Internet. “Các nhà cung cấp dịch vụ chủ yếu đầu tư vào công nghệ tốt nhất ở những khu vực có môi trường cạnh tranh và công nghệ mới nhất ở những khu vực giàu có”, Kelley nói.

Theo ông, ở một số khu vực ở Mỹ, tốc độ tải lên trung bình chỉ 1 Mb/giây. “Với tốc độ đó, ngay cả những công việc như gửi video tới khắp thị trấn cũng có thể chậm hơn chim bồ câu”, ông nói. “Sự kém hiệu quả khi triển khai chính sách, đi kèm với tốc độ Internet chậm có thể khiến tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhất là khi mọi thứ chuyển sang nền kinh tế số”.

Dữ liệu có dung lượng lớn cũng là vấn đề với cả những công ty như Amazon và Google. Khi chuyển dữ liệu hàng nghìn terabyte, họ sẽ chuyển sang một hình thức vận chuyển đáng tin cậy hơn, đó là xe tải.

Năm 2016, Amazon ra mắt AWS Snowmobile, một container vận chuyển có thể chứa 100 petabyte dữ liệu, tương đương 20 tỷ ảnh độ phân giải cao trên iPhone. Ngay cả với tốc độ Internet cực nhanh, 100 petabyte sẽ phải mất hàng thập kỷ để tải lên Internet. Việc vận chuyển dữ liệu đó đi khắp nước Mỹ sẽ chỉ mất vài ngày bằng xe tải.

Maxar, công ty ảnh vệ tinh, là đơn vị đầu tiên sử dụng AWS Snowmobile. Năm 2017, công ty chuyển kho lưu trữ hình ảnh có độ phân giải cao được ghi trong 16 năm lên đám mây bằng xe tải, giúp quân đội, chính phủ và giới truyền thông sử dụng dễ dàng.

Bảo Lâm (theo Washington Post)